EVNHCMC chuyển đổi số: Con người là trung tâm

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sở Quản lý và phân phối điện TP.HCM (7-8-1976 – 7-8-2021, tiền thân của EVNHCMC), tổng công ty cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tập trung hoàn thành quá trình chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số toàn diện.

Theo đó, để đạt được mục tiêu “Cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và năm 2025 trở thành doanh nghiệp số toàn diện”, EVNHCMC đã và đang tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của một doanh nghiệp số.

Nhân viên của EVNHCMC tham gia lớp học Line-Line cao thế đầu tiên của ngành điện. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Cán bộ, viên chức, người lao động của EVNHCMC nhận chứng chỉ kỹ sư ASEAN. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Con người làm trung tâm

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện và con người sẽ là yếu tố quyết định sự thành công. Chính vì vậy, EVNHCMC đã xác định mục tiêu xuyên suốt của giai đoạn 2020-2025.

Cụ thể, tổng công ty sẽ tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng TP thông minh. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về lưới điện thông minh, doanh nghiệp số, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, không gian lưới điện ngầm… Từ đó đáp ứng nguồn lực tham gia thị trường điện cạnh tranh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức, người lao động.

Theo ông Thanh, EVNHCMC cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có kỹ năng quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, có bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới.

Đồng thời, tổng công ty đã đào tạo, xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực chuyên môn - kỹ thuật có trình độ quốc tế và khu vực. Đây là đội ngũ đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào tất cả lĩnh vực hoạt động của EVNHCMC, thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp số và xây dựng TP thông minh.

Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng xây dựng đội ngũ công nhân, nhân viên nghiệp vụ phù hợp tiêu chuẩn chức danh, có sức khỏe tốt, trình độ tay nghề cao, nắm bắt và làm chủ công nghệ, các phương tiện thi công hiện đại và có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng khung năng lực do tập đoàn ban hành. Từ đó, xây dựng môi trường làm việc cải thiện, năng suất lao động tăng hợp lý, theo kịp mức tăng năng suất lao động của công ty điện lực các nước tiên tiến trong khu vực.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết để đạt được mục tiêu đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số và đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp số toàn diện, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền nội bộ nhằm làm thay đổi nhận thức của toàn thể người lao động về chuyển đổi số, EVNHCMC cũng đã có kế hoạch triển khai đào tạo trình độ chuyên môn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, đảm bảo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Tổng công ty cam kết sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, EVNHCMC sẽ phấn đấu 100% cán bộ quản lý đáp ứng tiêu chuẩn ngoại ngữ (Anh văn) theo quy chế EVN và của tổng công ty; 100% các cá nhân đăng bạ kỹ sư ASEAN đạt chứng chỉ PMP được duy trì và gia hạn hiệu lực của chứng chỉ, lực lượng chuyên gia được công nhận sẽ tham gia đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn.

Đồng thời, tổng công ty đào tạo và phát triển chuyên gia đầu ngành đủ sức triển khai các thành tựu Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVNHCMC. Ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực liên quan đến đề án áp dụng CMCN 4.0 của tổng công ty.

Đặc biệt, EVNHCMC đã áp dụng mô hình đào tạo nội bộ 70-20-10 (70% học không chính thức trong công việc, 20% học qua đồng nghiệp và bạn bè, 10% học chính thức thông qua các khóa học ngắn hạn). Đồng thời, EVNHCMC cũng đã hoàn thiện hệ thống đào tạo trực tuyến, đa dạng với nhiều hình thức bao gồm khung chương trình đào tạo cho các hệ thống chức danh thông qua hệ thống E-learning. Chương trình do đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề, kỹ sư ASEAN, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, cán bộ quản lý biên soạn nội dung.

Ngoài ra, EVNHCMC cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý sử dụng lao động HRMS, thực hiện số hóa và ứng dụng những công cụ thông minh hỗ trợ công tác quản trị nguồn nhân lực, gia tăng hiệu suất, nắm bắt thông tin kịp thời của người lao động để có đủ nguồn lực nhằm ra quyết định cho các định hướng chiến lược.•

 

Tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động

Tính đến năm 2021, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã có sáu tiến sĩ, 403 thạc sĩ, 66 chuyên gia, 245 công nhân lành nghề và 148 kỹ sư ASEAN (chiếm 46% trong tổng số 322 kỹ sư ASEAN của cả nước).

Hiện nay, tổng công ty tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động đạt tối thiểu 40 giờ/năm. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho 100% người lao động (chủ yếu là lực lượng công nhân trực tiếp) để đáp ứng yêu cầu của người lao động trong thời đại CMCN 4.0.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm