Hướng dẫn vận chuyển hàng hóa vào các tỉnh miền Tây

+ Bến Tre: Theo ông Lê Văn Tường, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre để vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở đã có thông báo yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện tổ chức vận tải hợp lý. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác.

Chỉ cho phép tài xế và người đi cùng vận chuyển hàng hóa khi đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS CoV-2 trong thời hạn 72 giờ. Đồng thời, phải thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra.

“Các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, tài xế và người đi cùng theo xe phải đăng ký, tham gia hoạt động trên “Luồng xanh” và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế việc tiếp xúc với người khác trước, trong và sau quá trình vận chuyển” – ông Tường cho biết thêm.

+ Cần Thơ: ngày 21-8, UBND TP Cần Thơ ra quy định từ ngày 23-8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ tỉnh, TP khác vào địa bàn TP phải đăng ký trước với Sở Công thương. Đồng thời tất cả các phương tiện phải đổi tài xế hoặc sang hàng tại điểm tập kết, trung chuyển hàng quá của TP quy định.

Sau khi quy định sang hàng, đổi tài xế có hiệu lực, tại bến xe trung tâm liên tục gần ba ngày đều bị ùn ứ phương tiện. Ảnh: CHÂU ANH

Ngay sau khi quy định có hiệu lực, tại điểm tập kết, trung chuyển hàng bến xe trung tâm liên tục xảy ra ùn ứ phương tiện. Theo các tài xế, đơn vị kinh doanh vận tải quy định đổi tài hoặc sang hàng là rất khó cho DN trong lúc này.

Bởi hiện nay rất khó tìm tài xế để đổi, hơn nữa không thể giao phó phương tiện, hàng hóa giá trị cho người khác, nếu xảy ra thiệt hại thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Mặt khác, nếu sang hàng, thì đối với các mặt hàng nguyên seal, nguyên kiện không thể thực hiện, vì nếu tháo niêm phong sẽ vi phạm.

Đến sáng 27-8, ghi nhận tại bến xe trung tâm, tình trạng ùn ứ phương tiện đã giảm hơn những ngày trước. Theo các tài xế lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm tập kết, giao nhận hàng chỉ yêu cầu thông tin đăng ký với Sở Công thương TP, nếu có trong danh sách sẽ kiểm tra các giấy tờ như: giấy test âm tính, mã QR… và cho di chuyển.

+ Đồng Tháp: Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, hiện đơn vị thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và UBND tỉnh về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Theo đó, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh không kiểm tra đối với phương tiện có giấy nhận diện có mã QR còn thời hạn. Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có mã QR, hoặc có nhưng hết thời hạn, thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với COVID-19 đối với tài xế và người đi cùng.

Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương, ngoài giấy xét nghiệm thì Đồng Tháp còn chấp nhận thêm giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng chống COVID-19.

+ Hậu Giang: Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang thông tin từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, Sở luôn bám theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ GTVT và UBND tỉnh tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa. Cụ thể, đối với các phương tiện có mã QR nhận diện thì các chốt kiểm soát sẽ tiến hành quét mã, trên đó có đầy đủ thông tin tài xế, phương tiện, hành trình… Kế đến, kiểm tra giấy test âm tính với virus SARS-CoV-2, khai báo y tế…

“Trong quá trình di chuyển, Sở yêu cầu tài xế và người đi cùng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu có phải khai báo. Sở cũng đã công bố đường dây nóng để kịp thời ghi nhận phản ánh của tài xế, DN từ đó có hướng tháo gỡ nếu có vướng mắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa” – ông Hùng cho biết thêm.

+ Tiền Giang: Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh này cho biết vừa có văn bản triển khai một số nội dung hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, đối với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư bằng ô tô tải được cấp Thẻ nhận diện phương tiện, kèm mã QR ưu tiên hoạt động trên các “Luồng xanh” vận tải thì được ưu tiên lưu thông trên địa bàn tỉnh. Sở này cũng yêu cầu tài xế và người đi cùng khi vận chuyển phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên, thời hạn 72 giờ.

Đối với người và phương tiện vận tải hàng hóa, vật tư bằng xe bán tải, xe mô tô 2, 3 bánh bắt buộc phải có Giấy xác nhận (theo mẫu) và được chính quyền xã, phường, thị trấn cấp, đồng thời chỉ được hoạt động trong địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, xe bán tải không được phép chở quá 1/2 số người trên giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

Theo quy định áp dụng từ ngày 23 (đến nay chưa có văn bản nào thay thế) các xe vận chuyển hàng hóa đến Cần Thơ phải sang hàng hoặc đổi tài xế tại điểm tập kết, trung chuyển của TP. Ảnh: CHÂU ANH

+ Trà Vinh: ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết thời gian qua, tỉnh cũng đã tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

“Tuy nhiên, thời gian qua trong số các ca mắc COVID-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh có một số là tài xế vận chuyển hàng trở về dù giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn. Do đó, để tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ, tỉnh đã yêu cầu tất cả tài xế lái xe trên địa bàn tỉnh di chuyển ra ngoài tỉnh khi trở về phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt, nếu có kết quả âm tính mới được vào, kể cả trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính còn hạn” - ông Hẳn thông tin thêm.

+ Vĩnh Long: Theo văn bản mới nhất ngày 27-8 của Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn kiểm tra các phương tiện vận tải hàng hóa tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các điểm giao, nhận hàng hóa trên địa bàn tỉnh, các phương tiện có Giấy nhận diện sẽ được lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR. Qua đó, kiểm tra nhanh các thông tin về phương tiện, người trên phương tiện, hiệu lực của Giấy xét nghiệm, hành trình vận chuyển…

Trường hợp mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu, kiểm tra đối chiếu đúng thông tin thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt.

Trường hợp quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện xuất trình bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe, Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực, khai báo y tế đầy đủ thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt và yêu cầu người trên phương tiện tiếp tục phải tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm.

Nếu quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, người trên phương tiện không xuất trình được bản chính các giấy tờ hoặc chưa khai báo y tế thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực lề đường tại chốt để kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm