Ngày 27-8, nguồn tin của PLO cho biết UBND TP Cần Thơ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn diễn biến phức tạp, tài xế ô tô và người đi cùng xe về từ vùng dịch giao nhận hàng hóa trong thành phố là một trong nhiều nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, là nguồn lây khó kiểm soát.
Do đó, TP đã ra hai văn bản về tăng cường phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn.
Cụ thể, các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành khác vào Cần Thơ để giao nhận đều phải đăng ký trước với cơ quan chức năng.
Việc đăng ký nhằm mục đích để lực lượng chức năng nắm thông tin giao nhận hàng hóa, thực hiện phân luồng, hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện thông suốt và tránh ùn tắc giao thông; đồng thời kiểm tra phòng chống dịch đối với lái xe, người đi cùng phương tiện. Việc đăng ký này không phải là thủ tục xin “giấy phép con”.
Các xe ùn ứ tại Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ sáng 26-8. Ảnh: CHÂU ANH
Thành phố đã lập 15 điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa ở vùng ven thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhằm hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm thành phố để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Trường hợp không thể thực hiện việc giao nhận tại các điểm này, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đổi tài xế hoặc giao nhận tại bãi tập kết của doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các bãi tập kết này.
Đối với tài xế và người đi cùng từ bên ngoài TP, TP đã bố trí các điểm nghỉ ngơi, ăn uống gần các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa.
UBND TP Cần Thơ cho rằng trong những ngày qua do có nhiều phương tiện đến TP giao nhận hàng hóa cùng một thời điểm nên dẫn tới ùn tắc cục bộ.
Một số trường hợp giao nhận hàng hóa nhưng doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng, dẫn đến việc giao nhận chậm, đặc biệt, cùng lúc đó một số phương tiện đi qua TP nhưng lại đi vào luồng các xe vào điểm tập kết, trung chuyển nên gây ra ùn tắc.
Để khắc phục vấn đề này, TP đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện đi theo Quốc lộ, đường tỉnh 919 (tuyến Bốn Tổng Một Ngàn) để tránh ùn tắc. Cạnh đó, TP sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp.
“Với cách làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1015 ngày 25-7 về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19, Công văn số 5187 ngày 29-7 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 và để tăng cường hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, UBND TP Cần Thơ kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Cần Thơ tiếp tục được thực hiện giải pháp như hiện nay theo Công văn số 3032 ngày 30-7 và Công văn số 3438 ngày 21-8 của UBND TP Cần Thơ.
UBND TP Cần Thơ sẽ tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, không gây ùn tắc giao thông và tăng cường hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19” – báo cáo nêu.
Bộ trưởng GTVT đề nghị bỏ quy định trung chuyển hàng hóa ở Cần Thơ Như PLO đã phản ánh Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có ý kiến như trên khi kết luận cuộc họp trực tuyến với 63 sở GTVT vào chiều ngày 25-8. Trước các thông tin báo chí đã phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết trước đây mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 xe đi trên địa bàn. Khi TP bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 thì mỗi ngày có khoảng 4.000 xe đi qua trung tâm TP Cần Thơ, khi áp dụng biện pháp tăng cường thì giảm xuống còn khoảng 2.000-2.500 xe. Nếu để như hiện nay có trên 3.000 điểm giao nhận hàng hóa trong trung tâm thì TP không kiểm soát được. Vì vậy, UBND TP đã yêu cầu DN vận tải, chủ xe đi qua trung tâm TP phải đăng ký trước để địa phương sắp xếp, phân luồng. Còn hàng hóa bốc dỡ tại địa bàn TP sẽ tổ chức 12 điểm trung chuyển tại các cửa ngõ để hạn chế xe và người đi từ vùng dịch về vào trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch. Việc yêu cầu đăng ký trước không phải gia tăng thủ tục hành chính, mà là giải pháp hỗ trợ các DN, xe có nhu cầu đi qua TP… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lập tức phản biện: “Anh Hè nêu lý do như vậy không hề thuyết phục. Cần Thơ là thủ phủ miền Tây Nam bộ, là điểm trung chuyển lớn, những trục quốc lộ quan trọng đều đi qua TP mà hiện nay mỗi ngày chỉ khoảng 3.000-4.000 xe đi đến và đi qua TP là không lớn. Anh nhìn xem, TP.HCM, Đồng Nai cũng đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh như vậy, lưu lượng xe lớn hơn rất nhiều sao họ vẫn tổ chức tốt, vẫn đảm bảo phòng chống dịch. Sáng nay, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng phải gọi điện thoại cầu cứu tôi vì xe chở ôxy về Sóc Trăng không qua được TP Cần Thơ, tôi phải gọi cho chủ tịch TP để xử lý đấy, nếu như thế này các anh vừa gây khó khăn cho chính các anh, cho các tỉnh miền Tây”. Bộ trưởng Thể nói thêm: “Các anh đã tính toán kỹ chưa? Nếu trung chuyển thì TP có sắp xếp được đủ tài xế, xe để xếp dỡ không? Trang thiết bị, công nhân xếp dỡ có đủ không? Tập trung trung chuyển có thể gây tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh hơn. Tính toán kỹ những tác động, ảnh hưởng đến khâu lưu thông, tiêu thụ chưa? Khi báo chí đã nêu, DN, người dân bức xúc thì chứng tỏ chính sách, giải pháp của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, cho nên các anh cũng phải tính toán lại thật kỹ, rà soát và phải có sự điều chỉnh ngay để không trái với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành”. Chiều ngày 26-8 trao đổi với PLO ông Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ Tướng Chính phủ Lê Văn Thành về vấn đề này để có sự chỉ đạo. VIẾT LONG |