Ngày 26-8, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) cho biết CBA vừa có văn bản gửi UBND TP, Sở Giao thông vận tải và Sở Công thương các phản ánh cũng như đề xuất của các doanh nghiệp về vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Theo bà Thuận, qua sự việc xe vận chuyển hàng hóa bị ùn tắc ngày 24-8 gây ách tắc cho việc tập trung giao nhận hàng hóa ra, vào tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa vào TP Cần Thơ thực hiện theo theo tinh thần Công văn 3438/UBND-KT ngày 21-8. Rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, kêu cứu và nêu lên các bất cập.
Cụ thể:
1. Xe của các công ty tại Cần Thơ, đi giao hàng ngoài thành phố, khi trở về xe không được vào thành phố vậy lái xe sẽ đi đâu, trong khi lái xe là người Cần Thơ?
2. Các công ty ở Cần Thơ có tuyển dụng lái xe xuất thân từ các tỉnh khác đến Cần Thơ làm việc. Lái xe người tỉnh khác không được cho vào thành phố, vậy lái xe sẽ đi đâu trong khi việc làm của họ là tại TP Cần Thơ, là nhân viên của công ty tại TP Cần Thơ?
3. Xe đến trạm trung chuyển hàng hóa phải đổi lái xe, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn lái xe để thay đổi theo quy định, vậy phải làm sao?
4. Lái xe về đến công ty là thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo địa điểm công ty quy định khi về đến nơi, họ về khu dành riêng cho lái xe, chứ đâu có đi lung tung trong thành phố và cũng không tiếp xúc người của công ty để lây nhiễm.
5. Xe chở oxy là mặt hàng khẩn thiết để cung cấp cho các bệnh viện cứu người cũng không được đặc cách. Công ty không giao hàng kịp cho các bệnh viện, việc gì sẽ xảy ra?
6. Hàng hóa có tải trọng lớn phải sang hàng tại điểm tập kết nhưng công ty không đủ nhân lực để thực hiện việc đó tại điểm tập kết, vậy phải làm sao? Hàng hóa thuộc loại cần kiểm dịch như thủy hải sản không thể sang xe tại điểm tập kết vì không bảo đảm hàng giữ được tiêu chuẩn chất lượng hàng.
7. Tập trung quá đông lái xe tại điểm tại điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa là trái với Chị thị 16, không tập trung quá đông người, dễ tạo ra tình trạng lây nhiễm không kiểm soát được.
Dù đã đăng ký vận tải vào Cần Thơ và có luồng xanh nhưng các tài xế không được vận chuyển khiến phương tiện ùn ứ kéo dài ở Lộ tẻ Thốt Nốt (Cần Thơ) - Kiên Giang, ảnh chụp ngày 25-8. Ảnh: HD
Từ các khó khăn, vướng mắc trên, doanh nghiệp đề xuất:
1. Cho phép các xe thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch (sát khuẩn xe, lái xe test nhanh còn hiệu lực, có mã QR...) nằm trong kế hoạch đã trình Sở Công Thương, Ban Quản lý khu Công nghiệp ngày hôm trước được phép vào ra công ty để giao nhận hàng hóa. Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm về các lái xe của công ty mình.
2. Cho phép các xe từ Cần Thơ đi giao hàng ở các tỉnh, thành khác, giao hàng xong được vào vào lại Cần Thơ (doanh nghiệp đã thực hiện “3 tại chỗ”, xe có mã QR code, lái xe test COVID-19 còn hiệu lực và các biện pháp 5K). Để bảo đảm an toàn tại điểm tập kết có thể niêm phong cabin lái xe và giữ nguyên trạng cho đến khi xe quay trở ra đi khỏi TP. Doanh nghiệp cam kết không cho lái xe xuống xe và hoàn toàn chịu trách nhiệm.
3. Một số loại hàng hóa đặc biệt cồng kềnh hay loại được các cơ quan chuyên môn kiểm dịch như thủy hải sản không thể sang hàng tại điểm tập kết mà phải trực tiếp bốc dỡ tại công ty.
4. Các công văn ban hành cần dành cho DN một thời gian đủ để chuẩn bị/chuyển đổi tư thế trước khi có hiệu lực thi hành. Công văn ban hành rất gấp và có hiệu lực cách nhau một ngày rất khó cho doanh nghiệp thi hành, có khi còn chưa kịp tiếp nhận công văn.
5. Việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa đi và đến là hoạt động rất quan trọng đối với các công ty. Tất cả nằm trong kế hoạch, không chỉ của riêng công ty mà còn liên quan đến đối tác, các hợp đồng cần hoàn thành đúng hạn với khách hàng. Một khâu ách tắc là chuỗi cung ứng bị đỗ vỡ, công ty không có cách chi đền bù.
6. Đề nghị thành phố tạo app để cập nhật nhanh nhất các công văn ban hành giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và có thể phản hồi.
Tất cả các phản ánh và kiến nghị trên, CBA đã tổng hợp trong công văn số 47/HHDN-CT.21 ngày 25-8 và gửi các đơn vị như nghiên cứu và có chủ trương chính sách phù hợp, giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động được thuận lợi, để tiếp tục đóng góp vào kinh tế TP Cần Thơ.