Nhiều xe gắn bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa

Bộ TT&TT vừa có văn bản gửi đến các bộ Công an, Công Thương, TN&MT, GTVT về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia Việt Nam (VN).

Người dân nói do không để ý

Văn bản của Bộ TT&TT cho biết qua theo dõi tình hình, bộ phát hiện tình trạng có nhiều xe dán hình ảnh bản đồ VN trên kính, thân xe và khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Đáng lo ngại hơn, khung biển số ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, TP cả nước cũng như một số sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada... Các khung biển số này có thể dễ dàng lắp ráp vào biển số xe do cơ quan chức năng cấp” - văn bản của bộ TT&TT cho biết.

Một chủ xe Toyota Fortuner đậu xe trên xa lộ Hà Nội (quận 2) phân trần: “Cô nói tôi mới để ý là không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, chứ bình thường tôi không để ý. Khi mua xe, nhân viên bán xe làm biển số và có sẵn bản đồ này nên tôi vô tâm cứ để vậy mà dùng”.

Một thanh niên mang biển số đi tân trang cũng cho biết: “Tôi thấy gắn bản đồ VN vào biển số xe rất đẹp, thể hiện sự yêu nước nên gắn vào thôi chứ không để ý gì cả. Đúng là giờ tôi mới thấy mình vô tâm quá, tôi nghĩ nhiều người cũng không biết giống tôi”.

Trong vai một người cần làm mới biển số xe, PV được chủ một cửa hàng trên đường Thuận Kiều (quận 5) tư vấn gắn một số mẫu để làm điểm nhấn như bản đồ VN, cờ VN và nhiều nước trên thế giới.

Theo quan sát, tại cửa hàng này có các mẫu thể hiện bản đồ VN dùng để gắn lên khung biển số xe, trong đó có nhiều mẫu thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Giá trọn gói khi gắn bản đồ lên khung biển số khoảng 300.000 đồng.

Tới một cửa hàng khác trên đường An Dương Vương (quận 5), PV cũng gặp trường hợp tương tự.

Một số cửa hàng tân trang biển số xe có mẫu hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: THY NHUNG

Cần hướng dẫn hơn là xử phạt

TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: với bổn phận và trách nhiệm của công dân VN, khi sử dụng xe máy, ô tô mà muốn gắn bản đồ VN lên biển số xe (không bắt buộc) thì cần ý thức được đó phải là bản đồ chính thống, được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Vì vậy, nếu bản đồ không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thiếu hai bộ phận cấu thành, hợp thành lãnh thổ trên biển của VN. Là bổn phận của công dân VN thì phải ý thức được điều này.

Thứ hai, tình trạng gắn bản đồ VN mà thiếu đi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà người dân không nhận thức được cũng có thể là sự thiếu sót trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

Một cán bộ CSGT tại TP.HCM cũng chia sẻ hiện nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn chi tiết về việc xử phạt vấn đề này. Vì theo quy định, CSGT không có thẩm quyền dừng xe trong trường hợp phát hiện biển số xe gắn bản đồ thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng các đơn vị chức năng nên tuyên truyền, hướng dẫn người dân trước tiên thay vì xử phạt.

Theo văn bản của Bộ TT&TT, việc xử lý các hành vi nói trên căn cứ vào Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định 72/2015 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định 18/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

khoản 2 Điều 4 của Luật Biển VN đã nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân VN có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo. Hành vi gắn bản đồ VN trên biển số xe mà không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dễ khiến người dân và du khách nước ngoài hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Theo Điều 11 Nghị định 18/2020 (có hiệu lực từ 1-4-2020), phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia.

Phạt 40-60 triệu đồng vì nhập xe có hình lưỡi bò

Năm 2019, Tổng cục Hải quan đã chủ trì tổ chức liên tiếp hai cuộc họp với đại diện các bộ, ngành gồm  Công an, Tư pháp, Công Thương, VH-TT&DL, TN&MT, GTVT, TT&TT, VKSND Tối cao và Văn phòng Chính phủ nhằm đưa ra phương án xử lý đối với đơn vị nhập khẩu xe có hình ảnh liên quan đến “đường lưỡi bò”.

Theo đó, đơn vị nhập khẩu chiếc xe này ngoài bị tịch thu xe còn bị phạt tiền 40-60 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động 6-9 tháng.

Ngoài ra, đơn vị trưng bày chiếc ô tô vi phạm này bị phạt tiền 20-40 triệu đồng do hành vi trưng bày ô tô có thiết bị định vị vệ tinh cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường sử dụng các hình ảnh không đúng về chủ quyền biển, đảo của VN. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm