"Nếu sân bay Tân Sơn Nhất không được mở rộng lên để đáp ứng 50 triệu hành khách/năm và cảng hàng không Long Thành không đi vào hoạt động năm 2028 thì khoảng 198 triệu hành khách mất cơ hội bay, thiệt hại kinh tế tối thiểu 19,8 tỉ USD", TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết trong Hội thảo hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ - Vấn đề và giải pháp diễn ra sáng 29-6 ở TP.HCM.
Ngoài ra, theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia TP.HCM về nhận diện thực trạng hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ và những vấn đề đặt ra thì hiệu quả khai thác của các sân bay ở khu vực phía Nam được đánh giá là thấp.
Ví dụ như cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá có tần suất khai thác 1 chuyến/ ngày, cảng hàng không Cần Thơ năm 2018 chỉ đạt 835.000 lượt hành khách, tương ứng 27,8% công suất thiết kế.
Không chỉ đường hàng không, hàng loạt các tồn tại, điểm nghẽn về đường thủy, đường bộ, thu hút vốn đầu tư, năng lực triển khai dự án cũng được phía ĐH Quốc gia đưa ra thảo luận trong Hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
"Với các vấn đề đó thì vùng Nam Bộ cần có một nhạc trưởng điều phối, TP.HCM phù hợp với vai trò này nhưng cần phải có nguồn lực để TP thực hiện", ông Hùng nêu kiến nghị.
Đồng tình, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Bộ GTVT cho rằng để phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ cần hoàn thành các đường cao tốc kết nối: vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP.HCM với cửa khẩu và cảng biển, đường thủy nội địa và hàng hải.
"Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần ưu tiên đầu tư các nội dung: bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn cho giao thông, xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, tiếp tục làm sớm để triển khai các dự án giai đoạn 2021-2025", ông Mười nói.
Về vai trò của TP.HCM trong kết nối vùng, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định vai trò này là rất rõ ràng, điển hình như vành đai 3 là dự án của Bộ GTVT nhưng TP chủ động đề xuất ứng vốn ngân sách để làm công tác giải phóng mặt bằng. Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM cũng đề xuất TP sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Ngọc Đông nêu quan điểm muốn triển khai theo quy hoạch thì cần lưu tâm nhiều đến vấn đề pháp lý, các chuyên gia trong lĩnh vực phải nêu các ý kiến về việc phải làm thế nào để giải quyết bài toán hành lang, pháp lý, cơ chế... trong việc thực hiện các dự án. "Tất nhiên quy hoạch đã có, câu hỏi là vì sao chúng ta không thực hiện được quy hoạch, không có nguồn vốn đầu tư thì quy hoạch sẽ nghẽn", ông Đông phát biểu.