‘Hãy để phố đi bộ Bùi Viện giản dị như nó vốn có’

Tôi nghĩ rằng TP không nên nâng khu phố này lên tầm sang trọng hơn vì nếu làm vậy thì nó sẽ không còn phù hợp với đối tượng khách du lịch như khách Tây ba lô” - KTS Nguyễn Trường Lưu.

Ngày 15-7 tới đây phố đi bộ Bùi Viện chính thức vận hành. Nhiều người quan tâm về việc làm thế nào để khu phố này trở thành một điểm nhấn của Sài Gòn - TP.HCM trong thời gian tới.

Sức hút đặc biệt với hồn bản địa

. Phóng viên: Trước khi khu Bùi Viện trở thành phố đi bộ thì bản thân khu phố này đã là nơi được rất nhiều khách du lịch tìm đến lưu trú, đến mức người dân quen gọi là phố Tây. Ông có thể lý giải vì sao?

+ KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch thường trực Hội kiến trúc sư TP.HCM: Đặc trưng của khu Bùi Viện đã là một khu vực có lịch sử phát triển riêng của nó. Bản thân khu phố này lâu nay là một điểm đến được nhiều khách du lịch nước ngoài lựa chọn. Đối tượng khách du lịch chọn nơi này thường là Tây ba lô, tức là những khách du lịch không quá nhiều tiền. Họ chỉ cần một chỗ lưu trú thuận tiện, không quá xa trung tâm và giá cả cũng không đắt đỏ như những khách sạn gắn sao tại khu vực trung tâm TP. Chỉ cần vài ba USD, phòng ốc cũng chỉ cần tấm nệm và chiếc quạt là đủ. Ban ngày họ có thể đi tham quan các điểm du lịch khác của TP, xong tối lại về nghỉ ngơi và khám phá Sài Gòn về đêm. Chỉ với ly cà phê hay một vài chai bia, họ có thể ngồi ở một góc phố để cảm nhận hơi thở cuộc sống của người dân bản địa.

Hơn nữa, từ Bùi Viện ra chợ Bến Thành cũng gần, sang đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ để mua sắm hàng cao cấp cũng không xa. Thêm vào đó, đây là khu vực gắn liền với đời sống và sinh hoạt của người dân TP. Ngoài các quán bar, cà phê, cửa hàng lưu niệm thì kế đó còn có cả khu chợ, rất thích hợp để khách du lịch khám phá văn hóa của người dân TP. Đó là những lý do khiến bản thân phố Bùi Viện luôn có sức hút đặc biệt với du khách.

Cứ để dây điện chằng chịt, du khách càng thích thú

. Theo nhận định của ông thì đối tượng khách du lịch chính ở đây là khách du lịch cấp trung bình. Vậy cần phải tổ chức như thế nào để Bùi Viện trở thành một khu phố đi bộ sinh động, đầy sức sống và thực sự cuốn hút?

+ Bản thân khu phố này tự nó đã có sức cuốn hút riêng rồi. Tôi cho rằng Nhà nước cũng không phải can thiệp quá nhiều mà hãy để nó tồn tại một cách tự nhiên. Có thể chính quyền nên đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường sạch sẽ cũng như duy trì an ninh trật tự để đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời tổ chức tốt giao thông cho toàn khu phố để vừa an toàn cho khách du lịch, vừa đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân. Ngoài ra, có thể tổ chức lại không gian đô thị để khu vực này hoạt động 24/24 giờ nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách.

Khu phố Bùi Viện gắn bó với cuộc sống của người dân bản địa lâu nay, tự thân nó đã có sức cuốn hút riêng.

. Hiện trạng khu phố Tây hiện nay cũng khá nhếch nhác, đặc biệt hệ thống dây điện và các loại cáp viễn thông chưa được ngầm hóa khiến mỹ quan khu phố không đẹp. Theo ông, có cần phải chỉnh trang lại toàn bộ khu vực này không?

+ Tôi không nghĩ như thế. Hãy duy trì cuộc sống nơi đây như những gì nó vốn có, đó là sức sống, là cái hồn đô thị của khu này. Đó cũng chính là điểm mà nhiều du khách khá thích thú, lạ lẫm vì điều này không có ở nước họ. Miễn sao đảm bảo cho được vấn đề vệ sinh môi trường sạch sẽ để họ ngồi ngắm phố xá không phải ngửi cả mùi hôi của cống và nước thải. Ở phố cổ Hà Nội, người ta cũng từng dựng cả những cột điện giả để dựng lại hồn đô thị xưa.

Theo tôi thì chúng ta không nên nâng khu phố Bùi Viện lên tầm sang trọng vì như thế nó không còn phù hợp với đối tượng khách Tây ba lô như lâu nay nữa. Khi giá cả quá đắt đỏ thì họ sẽ không đến đây nữa.

. Khác với tuyến đường Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện gắn liền với sinh hoạt và đời sống của người dân. Làm sao để vừa khai thác được các hoạt động cộng đồng nơi đây mà vẫn đảm bảo việc đi lại bình thường của người dân, thưa ông?

+ Phố đi bộ không có nghĩa là cấm xe. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, phố đi bộ nằm trong khu dân cư như Bùi Viện người ta vẫn cho xe lưu thông. Vấn đề là phải đảm bảo lưu thông như thế nào để không ảnh hưởng đến an toàn của du khách. Ở Pháp, Đức, Ý hay nhiều nơi khác, trong khu phố đi bộ, thậm chí những chiếc bàn cà phê được bày ngay giữa đường, xe buýt vẫn chạy qua nhưng rất an toàn. Do đó, nói tổ chức phố đi bộ ở Bùi Viện không có nghĩa là cấm người dân đi xe mà cần bố trí như thế nào cho hợp lý.

. Ông cho rằng cần khuyến khích việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tại khu phố này 24/24 giờ nhưng hiện nay TP đang giới hạn thời gian từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng. Như vậy ông nghĩ liệu có hạn chế gì không?

+ Tôi nghĩ thời gian đầu thì ta nên làm như thế. Sau khi hoạt động một thời gian, nếu thấy ổn thì có thể áp dụng hoạt động 24/24 giờ.

. Xin cám ơn ông.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, Chủ tịch NgoViet Architects&Planners:

Cần quy hoạch cuộc sống thay vì chỉ quy hoạch công trình

Cần có quy hoạch cho cuộc sống khu phố đi bộ Bùi Viện 24/24 giờ, cả ngày và đêm, trong mọi thời tiết và trong các thời điểm đặc biệt của năm như Tết, Giáng sinh. Quy hoạch tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thật ra là chưa thực hiện phần quy hoạch cuộc sống cho phố đi bộ mà chỉ thực hiện công trình. Phố đi bộ Bùi Viện cần lấp đầy thiếu sót này cũng là làm nên thế mạnh của khu phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm