Thực hiện Luật Quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Sân bay thứ hai trợ sức cho Nội Bài đặt ở đâu là hợp lý?
Theo Cục HKVN, hiện sân bay Nội Bài đang được nghiên cứu điều chỉnh nâng công suất đáp ứng 100 triệu khách/năm với bốn đường băng và năm nhà ga. Tuy nhiên, theo dự báo của đơn vị tư vấn, nhu cầu đi lại ở vùng thủ đô rất lớn. Qua nghiên cứu mô hình các nước thế giới (Bangkok, Tokyo) cho thấy cần xây dựng mới một sân bay cho vùng thủ đô Hà Nội để hỗ trợ cho Nội Bài khi nhu cầu tăng lên 150 triệu khách/năm. Theo đó, sân bay này sẽ được xây dựng với hai đường cất, hạ cánh; đường lăn, nhà ga và sân đỗ để đưa tổng công suất đạt 50 triệu khách/năm vào năm 2050.
Về vị trí sân bay thứ hai cho vùng thủ đô, Cục HKVN cho biết trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng thủ đô, Hà Nội đề xuất bốn vị trí gồm khu vực huyện Ứng Hòa (phía nam TP Hà Nội), Thanh Miện (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) và huyện Lý Nhân (Hà Nam). Tuy nhiên, trong các báo cáo chính thức và quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thủ đô, Hà Nội chưa đề xuất vị trí chính thức xây dựng sân bay số hai. Trên cơ sở bốn vị trí này, tư vấn quy hoạch tiến hành rà soát, bổ sung các so sánh cụ thể để có thể phân tích ưu, nhược điểm của từng vị trí.
Công suất sân bay Nội Bài tối đa trong tương lai là 100 triệu hành khách/năm. Ảnh: V.LONG
Mặc dù có các phân tích trong đồ án quy hoạch, tuy nhiên tư vấn cho rằng đồ án quy hoạch này chưa đủ các dữ liệu và tài liệu khảo sát để có thể quyết định được vị trí cuối cùng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu kết hợp việc thu thập số liệu thông tin, khảo sát chi tiết trong các giai đoạn hoạch định tới đây theo hướng căn cứ tốc độ phát triển thực tế của hàng không.
Với đồ án quy hoạch này, tư vấn cho rằng tới năm 2030 chưa cần sân bay thứ hai ở Hà Nội, tới năm 2050 mới cần xây dựng. “Như vậy, cảng hàng không thứ hai cho vùng thủ đô sẽ tiếp tục được nghiên cứu vị trí, dự kiến thời gian nghiên cứu sau năm 2030…” - Cục HKVN khẳng định.
Hiện Bộ GTVT vẫn đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu các ý kiến để xem xét, điều chỉnh dự thảo phù hợp trước khi trình Chính phủ phê duyệt. |
Theo một chuyên gia, việc tiếp tục nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai ở Hà Nội là cần thiết khi Nội Bài đạt công suất tối đa 100 triệu khách/năm và khó có thể mở rộng thêm. Tuy nhiên, việc đặt sân bay không chỉ là vấn đề quỹ đất mà còn địa chất, thủy văn… nên cần được nghiên cứu kỹ.
“Ở trong nước cũng như nước ngoài, có những sân bay phải nghiên cứu vị trí mất mấy chục năm. Chẳng hạn sân bay Long Thành được giao nghiên cứu từ năm 1997, đến năm 2003 mới được Thủ tướng phê duyệt vị trí” - vị chuyên gia này chia sẻ.
Sân bay Tân Sơn Nhất phát triển như thế nào?
Với sân bay Tân Sơn Nhất, tư vấn đề xuất giữ nguyên cấu hình khu bay gồm hai đường cất, hạ cánh. Xây dựng nhà ga T3 và mở rộng các nhà ga hiện hữu để đưa tổng công suất lên 50 triệu hành khách/năm vào năm 2025. Cạnh đó là xây dựng hệ thống ga hàng hóa phía Bắc.
Về giao thông kết nối với Tân Sơn Nhất, tư vấn đề xuất sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa với quy mô 4-6 làn xe. Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung, quy mô bốn làn xe; mở rộng đường 18E, quy mô 4-6 làn xe. Bên cạnh đó, bổ sung cầu vượt đoạn từ đường Phan Thúc Duyện qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP đến nhà ga hành khách T3.
Ngoài ra, bổ sung tuyến đường trên cao từ nhà ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 theo hướng đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua Công viên Hoàng Văn Thụ xuống đường Hoàng Văn Thụ…
Về đường nội bộ, theo tư vấn ở phía nam quy hoạch xây dựng các tuyến đường nội bộ kết nối với trục giao thông bên ngoài và nội bộ khu nhà ga hành khách T3 với quy mô 2-6 làn xe. Phía bắc sử dụng ba đường hiện hữu để kết nối khu dịch vụ hàng không với đường Tân Sơn và đường Quang Trung được nâng cấp, mở rộng theo nhu cầu khai thác.
“Về hệ thống sân đỗ ô tô, bổ sung sân đỗ ô tô phục vụ nhà ga hành khách T3, quy hoạch các luồng ra vào phù hợp với diện tích đất mở rộng và phân kỳ đầu tư xây dựng theo nhu cầu…” - Cục HKVN cho hay.•
Đà Nẵng bị loại khỏi sân bay quốc tế cửa ngõ Theo dự thảo báo cáo, đến năm 2030 cả nước có 26 sân bay được quy hoạch và có ba sân bay quốc tế cửa ngõ là Nội Bài, Long Thành và Tân Sơn Nhất. Đến năm 2050, cả nước có 30 sân bay, trong đó có năm sân bay quốc tế cửa ngõ. Ngoài ba sân bay kể trên có thêm Chu Lai (Quảng Nam) và Cam Ranh (Khánh Hòa). Như vậy, so với quy hoạch trước đây, sân bay Đà Nẵng không còn nằm trong số các sân bay quốc tế cửa ngõ. Nguyên nhân được tư vấn đưa ra là để phù hợp với nguồn lực đầu tư, công suất, quy mô tối đa của sân bay này. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục HKVN cho rằng đề xuất loại bỏ sân bay Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế (HKQT) cửa ngõ (được phê duyệt tại Quyết định số 236) với lý do trên là chưa phù hợp với Luật Hàng không 2006 và thực tế hiện nay của Cảng HKQT Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tỉnh này còn cho rằng đề án chưa xem xét đến quy hoạch chung điều chỉnh TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và chưa phù hợp với Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm “kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương”. Nếu bị đưa ra ngoài phân cấp cảng HKQT cửa ngõ, sân bay Đà Nẵng sẽ bị hạn chế nhiều dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng để thực hiện các chức năng cốt lõi như sân bay dự bị chiến lược cho các đường bay quốc tế, quốc nội trên vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh; phục vụ hành khách với sản lượng 30 triệu khách/năm sau 2030; phát triển hạ tầng logistics hàng không… “Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT, Cục HKVN giữ nguyên sân bay Đà nẵng là cảng HKQT, cửa ngõ quốc gia như đã được phân cấp trước đây…” - văn bản của UBND Đà Nẵng cho hay. |