Thông qua đầu tư công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng thẩm định nhà nước (TĐNN) vừa báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Kết quả, 13/14 thành viên hội đồng thông qua báo cáo do Bộ GTVT trình, riêng đại diện Bộ Tài chính chưa có ý kiến.

Vì sao phải chuyển sang hình thức đầu tư công?

Theo Hội đồng TĐNN, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu và bối cảnh hiện nay, Bộ GTVT cho rằng việc chuyển sang đầu tư công là cần thiết. Vì đầu tư theo phương thức PPP nếu thuận tiện trong lựa chọn nhà đầu tư dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, còn không sẽ kéo dài hơn. Do đó, việc chuyển sang đầu tư công giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án, bảo đảm sự chắc chắn thành công.

Cạnh đó, thực tiễn triển khai các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 cho thấy quá trình thu xếp nguồn vốn tín dụng trong nước khó khăn, kéo dài do các tổ chức tín dụng trong nước quy mô chưa lớn, chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định giảm dần tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.


17.837 

tỉ đồng là số tiền sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là 8.306 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 997 tỉ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 6.629 tỉ đồng và chi phí dự phòng là 1.905 tỉ đồng. 

Về huy động từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đều yêu cầu một số hình thức như bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ... Trong quá trình xây dựng Luật PPP, vấn đề này được Chính phủ cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng và chưa đưa hình thức bảo lãnh này vào luật. Do vậy, việc huy động nguồn tín dụng nước ngoài khó khả thi.

Cạnh đó, quốc lộ (QL) 51 dù được đầu tư mở rộng nhưng thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt trong thời gian cao điểm, cản trở sự phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu vận tải cấp thiết của khu vực.

“Như vậy, việc đầu tư dự án và chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các nội dung thuyết minh, giải trình nêu trên…” - Hội đồng TĐNN kết luận.

Quốc lộ 51 dù được đầu tư mở rộng nhưng thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt trong thời gian cao điểm. Ảnh: KHÁNH LY

Đầu tư công giảm được 1.779 tỉ đồng

Theo Hội đồng TĐNN, tờ trình của Bộ GTVT cho thấy tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.837 tỉ đồng, giảm 1.779 tỉ đồng so với đầu tư theo phương thức PPP do giảm chi phí lãi vay và cập nhật tiến độ dự án. Theo đó, tuyến cao tốc này có suất đầu tư 154 tỉ đồng/km, thấp hơn quy định của Bộ Xây dựng và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (210 tỉ đồng/km).

Vì vậy, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu trên. Tuy nhiên, Hội đồng TĐNN lưu ý trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cần căn cứ số liệu khảo sát, các giải pháp thiết kế, bản vẽ thiết kế cơ sở tính toán tổng mức đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư dự án…

Về nguồn vốn đầu tư dự án, Hội đồng TĐNN cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến phân bổ cho dự án 14.270/17.837 tỉ đồng. Trong đó có 5.360 tỉ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn, 3.500 tỉ đồng từ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, 5.410 tỉ đồng dự kiến lấy từ nguồn tiết kiệm từ việc chỉ định thầu các dự án giao thông và nguồn vốn nhượng quyền thu phí các dự án cao tốc Bắc - Nam...

Giai đoạn 2026-2030, Bộ GTVT dự kiến phân bổ số tiền còn lại cho dự án từ việc cân đối vốn đầu tư công trung hạn. “Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm về nội dung này…” - Hội đồng TĐNN nêu ý kiến.

Sau khi có kết luận của Hội đồng TĐNN, đại diện Bộ GTVT cho biết vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội (QH) để thông qua chủ trương dự án này.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 53,7 km, có điểm đầu tại tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Biên Hòa; điểm cuối giao với QL56 thuộc TP Bà Rịa. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km, qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5 km.

Về tiến độ dự án, Bộ GTVT cho biết công tác chuẩn bị đầu tư diễn ra trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Theo Bộ GTVT, dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên QL51, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.•

Dự kiến các địa phương sẽ làm chủ đầu tư 2/3 dự án

Dự kiến QH sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào kỳ họp QH tháng 5 tới đây. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ được áp dụng Nghị quyết 43/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…

Với dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chính phủ dự kiến sẽ giao 2/3 dự án thành phần cho UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư, còn một dự án thành phần đầu tư bằng nguồn tiền phục hồi kinh tế - xã hội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm