Đó là đề xuất giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển mà ông Hoàng Văn Bẩy, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) trình bày tại diễn dàn "Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL" do Bộ trưởng Bộ TN & MT Trần Hồng Hà chủ trì sáng 18-6.
Ông Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn dàn. Ảnh: NC
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên khu vực này đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức như chịu tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước đang gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông; áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng, nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt; phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông chưa gắn kết được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất.
Năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nêu rõ các quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết 120/NQ-CP đã chuyển đổi căn bản quan điểm về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, lấy tài nguyên nước làm cốt lỗi và phải thích ứng với diễn biến tài nguyên nước, thiên tai, tôn trọng quy luật tự nhiên.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000 m; các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển.
Đề xuất giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ông Hoàng Văn Bẩy, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết: Cần điều tra, khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức, trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình theo quy định.
Ngoài ra, để từng bước hạn chế khai thác nước dưới đất, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn khai thác từ nguồn nước mặt nhằm giảm dần việc khai thác nước dưới đất của nhân dân để cấp nước sinh hoạt.
"Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để chuyển dần từ khai thác nguồn nước dưới đất sang khai thác nguồn nước mặt trên quy mô toàn vùng, bảo đảm cấp nước an toàn và tạo tiền đề cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất" - ông Bẩy cho biết thêm.