TP Huế hướng tới TP sáng tạo, trù phú, hạnh phúc

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng TP Huế (Thừa Thiên-Huế) với diện tích của TP Huế từ 70,6 km2 tăng lên 265,9 km2, dân số từ 354.000 người tăng lên hơn 652.000 người. Việc mở rộng TP Huế ngoài thời cơ, vận hội cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP Huế.

TP Huế sẽ được mở rộng gần bốn lần so với hiện tại. Ảnh: NGUYỄN DO

Đứng trước nhiều thách thức

. Phóng viên: Nghị quyết mở rộng TP Huế vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nghị quyết này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, vậy TP Huế đã có những bước chuẩn bị như thế nào cho việc này, thưa ông?

Ông Phan Thiên Định

+ Ông Phan Thiên Định: Trước hết, cũng như tất cả người dân, lãnh đạo tỉnh, những người yêu Huế thì tôi và lãnh đạo TP cũng rất vui mừng. Đây là cơ hội đã mong đợi rất lâu của người dân. Việc này là sự chia sẻ rất lớn của các địa phương xung quanh như thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang đã cắt những phần diện tích để TP mở rộng, đây là những nơi có hướng phát triển rất tốt.

Về việc kiện toàn bộ máy của TP Huế sau mở rộng, hiện nay có hai vấn đề, một là sáp nhập các phường thuộc TP hiện tại đã có kế hoạch cụ thể. Còn về việc nhập các phường, xã của các huyện thị khác vào TP thì Ban Thường vụ đã có trao đổi bước đầu. Vào cuối tuần này, chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm việc với lãnh đạo TP Huế để chuẩn bị xây dựng đề án trình Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về việc xây dựng đô thị Huế sau khi mở rộng.

Trong đó có nhiều việc liên quan đến đồng bộ hóa hoạt động các phường, xã khi gộp vào TP, cũng như khẳng định vị trí của TP sẽ đóng vai trò gì sau khi mở rộng từ đó đưa ra quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển lâu dài cho TP, đây là một bài toán rất quan trọng.

. Việc mở rộng diện tích lên gần bốn lần đã cho TP Huế những cơ hội gì?

+ Trước đây TP chỉ gắn với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục thì mở rộng TP sẽ đáp ứng thêm vai trò là một trung tâm kinh tế. Kinh tế ở đây không phải là việc đóng góp ngân sách nhiều hay ít mà là vấn đề tạo ra được một động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

TP cũng hướng đến là một trung tâm của tri thức và công nghệ để thúc đẩy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xung quanh TP hay toàn tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, TP Huế luôn hướng tới giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, hình thành một đô thị mẫu mực.

Yêu cầu không tạo ra cơn sốt bất động sản

. Theo ông, những khó khăn trước mắt là gì?

+ Trước đây, TP chỉ nằm trong phạm vi hẹp là hơn 70 km2, nay mở rộng ra hơn bốn lần thì việc quản lý bước đầu sẽ gặp những khó khăn. Do vậy, nhiệm vụ trước hết là đồng bộ hóa bộ máy chính trị của địa phương.

Hạ tầng của các địa phương mới nhập vào TP còn nhiều khó khăn, kết nối giao thông từ các địa phương này đến với TP cũng hạn chế. Như vậy sẽ cần có nguồn lực nhất định của tỉnh và trung ương để tạo những trục giao thông chính thuận tiện cho đi lại. Công tác điều hành cũng phải thay đổi phương thức như ứng dụng công nghệ thông tin điều hành để không gây phiền hà cho các địa phương mới nhập vào.

Ví dụ như phương án liên quan đến phòng chống bão lụt… khi được mở rộng sẽ có địa bàn trắc trở, khi đó cần có phương án tại chỗ. Thời gian đầu cần có sự kết hợp giữa TP với các huyện, thị xung quanh để kịp thời xử lý các biện pháp phòng chống bão lũ xảy ra.

Hiện nay, sau khi có thông tin mở rộng TP thì tình trạng đất đai ở những khu vực này có dấu hiệu nhốn nháo. TP đang yêu cầu làm sao để không tạo ra cơn sốt bất động sản hay để thị trường bất động sản thao túng dẫn đến những hệ lụy về sau.

Những khó khăn, thách thức đó chúng ta phải đặt ra để giải quyết. Quan trọng nhất là chỉ ra đúng định hướng phát triển. Sứ mệnh của TP trong phát triển chung tỉnh là gì, định nghĩa được thì sẽ có những giải pháp.

Khi TP Huế nhìn về phía biển

. TP Huế sẽ mở rộng về phía biển, đây là một lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế, ông nghĩ gì về việc này?

+ Có một khó khăn là hướng biển của Huế khác với những TP khác. Dọc theo các bãi biển có nhiều nghĩa địa, bên cạnh đó những khu vực biển được sáp nhập vào TP thì quỹ đất còn rất ít. Trước mắt, chúng ta sẽ nghĩ đến những khu nghỉ dưỡng là đô thị du lịch nằm tại khu vực Hải Dương, sau này sẽ khai thác thêm nhưng lâu dài phải tính toán, sắp xếp lại khu dân cư để tạo thành các đô thị ven biển. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đang xây dựng tuyến đường lớn về biển để rút ngắn khoảng cách giữ trung tâm TP và biển.

. TP Huế hướng tới một đô thị như thế nào sau mở rộng?

+ Ở phần lõi của TP sẽ phải giữ những giá trị văn hóa di sản. Những di sản ở những địa phương mới nhập vào chúng ta phải tăng cường bảo tồn tạo ra những kết nối giữa các di sản để khi nhìn vào tổng thể TP vẫn là một đô thị di sản. Đồng thời chúng ta tạo ra những không gian hoạt động nghiên cứu, quy tụ các lực lượng trí thức để hướng đến sự phát triển công nghệ cao.

Huế đẹp là nhờ những làng mạc xung quanh TP, nếu không chú ý mà biến cả khu vực này thành đô thị như nhau thì sẽ phá vỡ cái đẹp đó, có những cái văn hóa của kinh đô nhưng có những cái là văn hóa của làng mạc. Đó cũng là một cái đặt ra bài toán quy hoạch.

TP Huế hướng đến là TP sáng tạo, trù phú, yên bình, phát triển, hạnh phúc. Là “hạt nhân” trung tâm của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường. Hướng tới phát triển TP Huế là một TP di sản với tư cách “TP festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.

TP đã được may chiếc áo mới nhưng để thật sự đến với chiếc áo đó TP sẽ phải lớn lên, đóng góp thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho tỉnh Thừa Thiên-Huế, đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người dân, đó là một giá trị rất lớn mà cả hệ thống chính trị tỉnh và bản thân tôi rất trăn trở. Nhưng tôi tin rằng chúng ta đã có những định hướng phù hợp, với sự hỗ trợ của trung ương thì chúng ta sẽ thành công trong công việc xây dựng TP Huế phát triển xứng tầm với kỳ vọng của mọi người. Tôi nghĩ đây không phải tính ngắn hạn nhưng quan trọng nhất là từ những định hướng ban đầu, định hướng đúng thì sẽ phát triển nhanh.

. Xin cám ơn ông.

Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã Thủy Vân, Thủy Bằng (thuộc thị xã Hương Thủy); hai phường Hương Hồ, Hương An và bốn xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương (thuộc thị xã Hương Trà); bốn xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An (thuộc huyện Phú Vang) sẽ về TP Huế. 

Luôn ưu tiên những địa phương mới nhập vào TP Huế

Ông Phan Thiên Định cho rằng việc mở rộng TP ra để thực hiện nhiều việc. Trong đó, thứ nhất là để bảo vệ di sản, có thêm tài nguyên đất đai và con người để phát triển kinh tế - xã hội. Khi giải quyết được những vấn đề đó sẽ tạo ra công ăn việc làm, các đầu tư cũng tốt hơn, đời sống người dân cũng sẽ thay đổi.

Mở rộng TP Huế lần này không chỉ là mở rộng ranh giới, các địa phương gia nhập vào TP thì TP sẽ có trách nhiệm để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và TP xác định sẽ luôn ưu tiên cho những địa phương mới nhập vào. So với cái cũ thì ở những địa phương đó đời sống của người dân sẽ có sự thay đổi hơn. Đó là yêu cầu cũng là đương nhiên của sự phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.