Doanh nghiệp bị cấm đặt tên nhạy cảm

Mới đây, một quán phở trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) đã bị cơ quan quản lý yêu cầu ngừng sử dụng tên Giao Chỉ. Quán này đã phải đổi tên thành phở Việt.

Cơ quan quản lý cho biết không thể hướng dẫn cụ thể thế nào là phù hợp, thế nào là vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối tên và doanh nghiệp không có quyền khiếu nại.

Thấy nhạy cảm là bác

Một cán bộ quản lý ở Sở VH-TT&DL TP.HCM cho biết từ Giao Chỉ cũng như từ An Nam trong lịch sử được dùng với ý miệt thị dân tộc ta, vì vậy nếu cơ sở kinh doanh dùng các từ này để đặt tên là không phù hợp với truyền thống lịch sử.

Trước đó, tháng 10-2011, một quán ăn dạng quán bar ở đường Thảo Điền (quận 2) đã phải đổi tên Buddha thành tên An Thái. Từ Buddha có nghĩa là Phật, đức Phật. Một số Phật tử đã phản ứng, cho rằng quán ăn, quán rượu mà đặt tên Buddha, trưng bày hình ảnh, tượng Phật trong quán là thiếu tôn kính.

Thật ra đến nay vẫn không có quy định hướng dẫn cụ thể đặt tên doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như thế nào thì hợp với truyền thống lịch sử, phong tục tập quán. Một số trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bắt đầu trưng bảng hiệu, thậm chí là trưng bảng và kinh doanh một thời gian dài (như quán Buddha đã kinh doanh sáu năm) thì mới bắt đầu có ý kiến phản đối từ người dân, sau đó cơ quan quản lý xem xét, yêu cầu đặt lại tên khác.

Quán cà phê đặt tên “An Nam” trước kia đã được đổi tên thành “ Ân Nam”. Ảnh: HTD

Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết có nhiều trường hợp doanh nghiệp đến đăng ký những tên nhạy cảm và bị từ chối ngay. Chẳng hạn, gần đây có doanh nghiệp đăng ký tên Lan Yêu. Nếu chấp nhận tên này thì vài hôm nữa sẽ có tên Em Yêu? Trước đây còn có doanh nghiệp đòi đặt tên Dịch vụ Sung Sướng, nghe tên là đã thấy không ổn rồi nên phòng đề nghị doanh nghiệp chọn tên khác. “Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang giữ một hồ sơ đăng ký tên… Cu Đỏ, chúng tôi đang định mời doanh nghiệp lên trao đổi, đề nghị đổi tên” - một cán bộ cho hay.

Phòng Đăng ký kinh doanh cho biết việc xác định một cái tên là có nhạy cảm hay không nhạy cảm tùy thuộc vào đánh giá của nhân viên đăng ký kinh doanh và trao đổi ý kiến về nghiệp vụ trong phòng chứ không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Cũng may, khi được thuyết phục đổi tên, các doanh nghiệp thường đồng ý và nhanh chóng chọn tên khác, không tranh chấp gì.

Không hướng dẫn cụ thể được

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Điều 32 Luật Doanh nghiệp (năm 2005) quy định cấm “sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc” khi đặt tên doanh nghiệp.

Trước đây, tại TP.HCM, một quán cà phê đặt tên An Nam và bị nhiều người phản đối, phải đổi tên khác. Sau đó, UBND TP.HCM có ra văn bản không sử dụng tên An Nam và từ đó các doanh nghiệp không được đăng ký tên này. Tuy nhiên, nếu tên riêng có thêm chữ khác thì vẫn được chấp nhận, ví dụ Tân An Nam, Hoàng An Nam, An Nam Phát, An Nam Đô, An Nam Lộc…

Trước đây từng có nhiều ý kiến bảo rằng quy định như thế là chung chung quá, đòi phải hướng dẫn ra cho cụ thể danh nhân nào, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục… Tuy nhiên, từ ngữ thì muôn hình vạn trạng và tùy trường hợp mà có ý nghĩa khác nhau nên không thể liệt kê hay giải nghĩa ra hết được. Không riêng gì Việt Nam, khi tham khảo mô hình đăng ký kinh doanh của nhiều nước khác, Cục thấy các nước cũng quy định như nhau và cũng không có giải thích chi tiết.

Như vậy, liệu có xảy ra tranh chấp khi doanh nghiệp muốn đặt tên mà cơ quan đăng ký kinh doanh lại cho là nhạy cảm? Cục cho rằng Luật Doanh nghiệp của ta cũng như quy định về tên doanh nghiệp của nhiều nước cũng đã dự liệu trường hợp tranh chấp này. Do không thể hướng dẫn chi tiết từ nào thì nhạy cảm, người nào là danh nhân nên luật quy định “cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp” và “quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”. Cục khẳng định: “Ngay cả khi Sở Kế hoạch và Đầu tư từ chối tên của doanh nghiệp, doanh nghiệp không đồng ý mà khiếu nại đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Bộ cũng không giải quyết!”.

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cũng cho rằng việc đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân vẫn hay xảy ra. Lý do thường gặp là trụ sở doanh nghiệp ở đường nào thì doanh nghiệp lấy tên đường đó đặt luôn. Cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp lấy tên mình đặt tên cho doanh nghiệp và tên này trùng với tên danh nhân. Việc đặt tên khó nghe rất ít khi xảy ra. Bởi lẽ doanh nghiệp lập ra để kinh doanh, mà kinh doanh cũng cần được đối tác xem trọng nên việc đặt tên cũng được cân nhắc, hiếm ai chọn tên xấu, khó nghe.

Đặt tên giống website đen?

Trước đây, một doanh nghiệp tại TP.HCM xin đặt tên Chín Tầng Mây và bị Sở Kế hoạch và Đầu tư từ chối. Người đăng ký có hỏi ý kiến Cục, lúc đầu Cục cũng thấy tên này đâu có gì nhạy cảm mà phải từ chối. Nhưng khi Sở giải thích rằng vào thời điểm đó có một website tình dục mang tên này, đặt tên như vậy là không phù hợp thì Cục cũng đồng ý và khuyên doanh nghiệp chọn tên khác.

(Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh)

“Bố già” bị thắc mắc hoài!

Quán kem Bố Già đã có từ lâu. Thế mà thỉnh thoảng cơ quan đăng ký kinh doanh cũng bị vài cơ quan khác “chê trách” khiến chúng tôi khó xử. Họ bảo rằng tên Bố Già là gợi đến mafia. Theo chúng tôi, tên này không vi phạm gì, vả lại người kinh doanh cũng đã đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu cũng phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức xã hội mới được đăng ký. Chúng tôi nghe phản ánh cũng giải thích lý do, thế mà ít lâu sau lại có ý kiến tiếp!

(Một cán bộ quản lý Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM)

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới