'Doanh nghiệp cậy tiền để giảm tội'

Năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 982 người và bị thương 9.173 người. Tuy nhiên, chỉ có bốn vụ được khởi tố.

Như vậy, có thể khẳng định các vụ tai nạn lao động bị xử lý hình sự rất ít, đây có phải nguyên nhân làm tăng số vụ tai nạn cũng như gây khó khăn trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động; có hay không việc doanh nghiệp tác động để giảm nhẹ vi phạm?

Cục An toàn lao động trả lời phóng viên về xử lý trách nhiệm đối với các vụ tai nạn lao động. Ảnh: VIẾT LONG

Báo Pháp Luật TP.HCMđặt câu hỏi tại buổi họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và thông tin các hoạt động của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ hai năm 2018.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của địa phương, trong đó có sự phối hợp của Sở LĐ-TB&XH.

Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho công an để xem xét khởi tố vụ án. Việc có khởi tố hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan công an, VKS.

Ông Hà Tất Thắng thừa nhận việc hình sự các vụ tai nạn lao động còn ít khiến đơn vị sốt ruột, vì giảm tính răn đe. Bởi vậy, một số vụ việc có nghi ngờ, đơn vị trực tiếp có ý kiến.

“Điển hình như vụ sập giàn giáo ở Formosa, lúc đầu rất khó khăn để khởi tố. Nhưng quá trình chúng tôi trực tiếp đi và có nhiều ý kiến, phân tích lời khai, nhân chứng. Bên cạnh đó, với sức ép của dư luận, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định khởi tố vụ án và khởi tố hai bị can” - ông Thắng nêu ví dụ.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH).

Liên quan đến việc xảy ra nhiều vụ tai nạn, ông Hà Tất Thắng khẳng định ngoài việc người lao động thường chủ quan, hiểu biết chưa đến nơi đến chốn thì nhiều doanh nghiệp lớn cậy nhiều tiền, nhiều của: “Có vụ đáng ra phải khởi tố nhưng họ cậy nhiều tiền nên tác động đến địa phương để giảm nhẹ xuống xử lý hành chính…” - ông Thắng chia sẻ thẳng thắn.

Để giảm các vụ tai nạn, ông Thắng cho biết ngoài việc có ý kiến chính thống đến các địa phương yêu cầu xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động để tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động, sắp tới đơn vị sẽ công bố các doanh nghiệp, đơn vị sai phạm lên phương tiện truyền thông. Theo đó, ông Thắng hy vọng việc làm trên sẽ hiệu quả hơn xử phạt hành chính.

 

TP.HCM có số tai nạn nhiều nhất

Cục An toàn lao động cho biết: Năm 2017, TP.HCM là địa phương có nhiều vụ tai nạn nhất với 1.517 vụ, làm chết 123 người. Tiếp đến là Đồng Nai với 1.424 vụ, làm chết 29 người.

Năm 2018, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31-5. Lễ phát động quốc gia  được tổ chức tại Hội trường thành phố (111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM) vào sáng 6-5 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” với  tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở. 

T

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm