“Luật quy định các doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì làm thủ tục phá sản. Cái này chưa hợp lý lắm. Số tiền quy định nợ 200 triệu đồng để một doanh nghiệp phá sản là quá nhỏ và việc quy định thời hạn ba tháng cũng quá ngắn để khẳng định là doanh nghiệp đó không còn khả năng trả nợ” - luật sư Hạt nói.
Các đại biểu cho rằng luật cũng chưa có quy định rõ ràng về cơ chế phục hồi cho doanh nghiệp sau một thời gian phá sản. Về chế định quản tài viên quy định trong luật nếu đưa vào thực tiễn sẽ rất khó thực hiện.
Góp ý cho dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị Luật Phá sản sửa đổi lần này phải cho viện kiểm sát quyền kháng nghị trong các vụ phá sản. Cần phải bổ sung các chi tiết để làm chặt chẽ và tránh việc các doanh nghiệp vừa tuyên bố phá sản nhưng lại nhân cơ hội tẩu tán tài sản, xù nợ. Luật cũng cần có những quy định cụ thể trong việc xử lý, thu hồi nợ của doanh nghiệp nước ngoài nợ tiền của doanh nghiệp phá sản trong nước.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cho biết dự thảo này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của QH dự kiến tổ chức vào ngày 20-5. “Việc tiếp thu sửa luật lần này là vì luật hiện hành đã có nhiều bất cập, nhiêu khê nên Ủy ban Thường vụ QH mới đề nghị các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để luật được hoàn thiện hơn. Trên thực tế có những vụ thi hành án phá sản kéo dài lê thê từ năm này qua năm khác mà vẫn không thể giải quyết được. Luật Phá sản đã có nhưng doanh nghiệp “chết” vẫn khó làm thủ tục để “chôn” được” - ông Nghĩa nói.
LÊ PHI