Doanh nghiệp đang trong “mùa đông khó khăn"

(PLO)- Doanh nghiệp đang trong “mùa đông khó khăn". 11 tháng năm 2022, dù doanh nghiệp mới thành lập tăng cao so với năm 2021 nhưng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng rất nhiều. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023", ngày 14-12, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, năm 2022 là một năm kinh tế đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế cùng song hành.

Trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp (DN) mới thành lập tăng 33% so với năm 2021, điều này minh chứng trong khó khăn các DN trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao. Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng, 123.000 DN phải rút khỏi thị trường, đây là tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp đang trong “mùa đông khó khăn", dù doanh nghiệp mới thành lập tăng cao so với năm 2021 nhưng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng rất nhiều. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế.

Những yếu kém trong nội bộ DN được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng những yếu tố khách quan này lại tạo nên sự đổi mới, buộc DN thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo ông Lộc, tuy dự báo bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến như những tháng cuối năm 2022. Nhưng sẽ có biến đổi khó lường buộc DN phải nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi, năng lực cạnh tranh sẽ được mở rộng hơn nữa.

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: MT

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: MT

Do đó, cộng đồng DN chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch COVID-19 sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng là các DN cần nâng cao năng lực pháp lý, DN không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. An toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan trọng, cần an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.

Chia sẻ về thị trường tín dụng, ông Lộc khẳng định, lãi suất đang tăng phản ánh đúng với thực trạng của thị trường tiền tệ. Các DN đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Trước bối cảnh này, DN cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, đưa ra được sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu thị trường với chi phí hợp lý. Đa dạng hóa các nguồn cung ứng vốn, kênh cung ứng vốn cho DN là việc làm mà DN phải quan tâm. Không phải chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng mà còn phải tìm kiếm nguồn vốn tín dụng khác từ xã hội.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, DN và nhà quản lý. Ảnh: MT

Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, DN và nhà quản lý. Ảnh: MT

“Việc khôi phục lại trái phiếu DN, phát hành cổ phiếu sẽ là hướng đi rất quan trọng, vì xét về mặt dài hạn, đây là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn của doanh nghiệp. Để làm được việc này cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách về phát triển thị trường vốn.

Chính phủ cần có biện pháp khôi phục, hỗ trợ thị trường trái phiếu, phát triển thị trường vốn cho nền kinh tế. Tôi nghĩ cần một giải pháp rất đồng bộ, còn khả năng có thể giảm được lãi suất là tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Ngay trong thời gian trước mắt thì khả năng này khó khăn”, ông Lộc nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, thời điểm cuối năm, DN chạy nước rút nhưng việc tiếp cận thị trường nguồn vốn là khó. Ngân hàng Nhà nước có động thái rất quan trọng như nới room tín dụng, nhờ đó tăng cung ứng về tín dụng cho nền kinh tế, phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một điều quan trọng không kém hiện nay là phải lành mạnh hóa thị trường tín dụng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 68/2022/QH của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Cùng với đó, cũng đã có những chương trình cải cách thể chế, hỗ trợ DN, cải cách kinh tế.

Đối với các nhóm giải pháp đã được đặt ra, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. "Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết thủ tục hành chính” – ông Phan Đức Hiếu cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Hồ Sỹ Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: MT

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Hồ Sỹ Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: MT

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Hồ Sỹ Hùng cho biết, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Đặc biệt, DN thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.

Cũng theo ông Hồ Sỹ Hùng, bên cạnh kết quả đạt được cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED…

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm