Doanh nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá

Những vấn đề về lưu thông hàng hóa, sản xuất an toàn, nguồn nhân công... còn chưa được giải quyết triệt để thì hiện nay các doanh nghiệp (DN) lại phải đối mặt với áp lực tăng giá đầu vào khi hàng loạt mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng giá mạnh.

Chi phí sản xuất tăng cao

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào liên tục tăng cao” - ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, có trụ sở tại tỉnh Long An, nói. Từ đầu năm đến nay, doanh thu xuất khẩu của công ty ông Phương chỉ đạt khoảng 30% so với năm trước đó. Nguyên nhân ngoài việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt việc nhập khẩu để phòng chống dịch bệnh, các yếu tố khác như cước vận chuyển tăng, bao bì tăng... đã đẩy chi phí sản xuất lên cao.

“Nếu trước đây một thùng carton nhỏ giá chỉ khoảng 18.000 đồng thì nay đã tăng lên 25.000 đồng” - ông Phương dẫn chứng.

Giá nhiều mặt hàng như dầu ăn, rau, sữa… đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây trước sức ép của giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển
leo thang. Ảnh: A.HIỀN

Bà Nguyễn Thị Thảo Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Giao nhận vận tải HNT, thông tin: Nếu trước dịch, giá cước vận chuyển đường biển sang Trung Quốc chỉ 600 USD/container, khi cao điểm cũng chỉ 800-900 USD/container thì nay đã vọt lên 1.200 USD/container. Cước đi châu Âu, Mỹ vào cuối năm ngoái khoảng 6.000-8.000 USD/container thì nay có hãng tàu công bố giá 18.000-19.000 USD/container. Cùng với giá cước, chi phí xét nghiệm nhân viên, tài xế cũng rất tốn kém. “Chi phí quá lớn mà lợi nhuận không tăng, có khi hòa vốn hoặc lỗ” - bà Ngân nói.

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu cũng liên tục tăng giá mạnh. Hiện giá xăng đã leo lên mức gần 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong bảy năm trở lại đây. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, cho hay trước đây trung bình với ba xe tải, giao hàng một tháng hết khoảng 25 triệu tiền xăng nhưng hiện nay đã tăng lên 30-35 triệu đồng. Chi phí cho bao bì đóng gói, túi nylon cũng tăng khoảng 10%. Cùng các chi phí trên, chi phí xét nghiệm cũng rất tốn kém. Tính chung, hiện giá thành sản xuất của hợp tác xã đã tăng lên khoảng 10% so với tháng 7 và tháng 8.

Chi phí sản xuất tăng cao nhưng các nhà sản xuất, kinh doanh rất khó để tăng giá bán hoặc chỉ dám tăng nhẹ. Lý do nếu tăng mạnh giá bán hàng thành phẩm sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, chưa kể các đơn hàng đều đã ký từ thời điểm trước đó. Điều này khiến các DN rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, như “ngồi trên đống lửa”.

Khó chặn đà tăng giá

Nhiều ý kiến lo ngại sau đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua, các DN đã tốn chi phí rất lớn cho phòng chống dịch, sản xuất ba tại chỗ… thì nay tiếp tục bị tổn thương trước tình trạng tăng giá đầu vào. Đặc biệt khi giá cả hàng hóa leo thang sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của dịch.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá các mặt hàng nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, bao bì, tem nhãn… tăng giá chóng mặt là do dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển. Chi phí đầu vào tăng khiến giá thành sản xuất cũng tăng ít nhất 20%. Thế nhưng đầu ra nông sản không tăng, thậm chí một số mặt hàng còn giảm giá, gây khó khăn cho nông dân. Ví dụ như thịt gia cầm, thịt heo.

“Trong khi đầu vào tăng mà đầu ra, giá bán chưa tăng theo phù hợp. Các nhà mua hàng chưa chịu chấp nhận giá tăng dẫn đến người sản xuất bị thua lỗ” - ông Nguyên cho biết.

Giới kinh doanh dự báo trong hai tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2022, tình hình tăng giá nguyên vật liệu vẫn chưa thể dừng lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Trong bối cảnh trên, các nhà sản xuất, kinh doanh đang xoay xở mọi cách để vượt khó.

Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, cho biết đơn vị ứng phó bằng cách tính toán lại khâu vận chuyển, sơ chế đóng gói, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao sản lượng, giảm sử dụng phân bón. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành làm màng phủ cho bà con để hạn chế sương muối, giá rét, đồng thời giữ nhiệt để giảm lượng phân bón sử dụng vì giờ giá phân bón tăng cao quá. Cạnh đó giảm bớt nhân viên lao động, như trước đây cứ một xe giao hàng sẽ gồm một tài xế, một bốc vác nhưng bây giờ tài xế sẽ kiêm luôn bốc vác” - ông Thám chia sẻ.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, nhìn nhận khi tăng giá thành sản xuất thì giá bán cũng tăng lên, tác động tới người tiêu dùng. Chẳng hạn, hiện các tỉnh Nam bộ bắt đầu bước vào sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022, vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm nhưng đang đứng trước thách thức lớn khi giá phân bón và vận chuyển hàng hóa tăng đột biến. Trong khi đó, việc sử dụng phân bón ở Việt Nam chưa hợp lý gây lãng phí.

“Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, các địa phương cần tăng cường phổ biến hướng dẫn về tiết kiệm phân bón, sử dụng hợp lý để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất. Tận dụng các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện có từ chăn nuôi và trồng trọt để làm phân bón” - ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tại họp báo Chính phủ ngày 6-11 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận giá nhiên liệu (than, xăng dầu...), chi phí vận chuyển trên thế giới tăng cao đã tác động tới giá thành, giá bán hàng tiêu dùng trong nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân cũng như năng lực cạnh tranh những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong bối cảnh trên, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để giữ tốc độ tăng giá trong nước thấp hơn thế giới. Ví dụ, nhờ Quỹ bình ổn xăng dầu nên bình quân 10 tháng qua dù giá xăng dầu thế giới tăng 59%-76% nhưng trong nước chỉ tăng 40%-53%. Bên cạnh đó, giá điện sẽ không tăng trong năm 2021.

Song song đó, các cơ quan quản lý sẽ nỗ lực đàm phán với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào thông qua hợp tác từ cấp Chính phủ, bộ, ngành tới DN. Qua đó nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất trong nước. “Các bộ, ngành sẽ hỗ trợ DN ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất” - Thứ trưởng Hải thông tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm