Doanh nghiệp lo ngại luật ống, luật khung, thông tư to hơn nghị định

(PLO)- Tình trạng luật ống, luật khung, thông tư to hơn nghị định đang làm xấu đi môi trường kinh doanh, gây lo ngại cho doanh nghiệp - theo nghiên cứu mới nhất của VCCI
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật một lần nữa được nhiều chuyên gia cũng như hiệp hội doanh nghiệp đề cập tới trong cuộc hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hôm qua, 11-11.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Đánh giá một cách khách quan, các ý kiến tại hội thảo đều thừa nhận quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua thời gian đã được điều chỉnh theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các dự thảo văn bản đều được cơ quan chủ trì soạn thảo công bố công khai để đối tượng chịu sự tác động có thể theo dõi.

Tuy nhiên, căn bệnh nan y của hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc vẫn chưa được khắc phục. “Hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư vẫn tồn tại. Trong một số lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế VCCI dẫn từ một nghiên cứu về chất lượng thông tư, công văn mà mình thực hiện.

Biểu hiện là trong lĩnh vực thuế, ngân hàng có xu hướng đợi thông tư để thực thi hơn là trực tiếp tuân thủ các quy định luật, nghị định đã được ban hành và có hiệu lực pháp lý cao hơn hẳn.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đồng tình với đánh giá này của nhóm nghiên cứu VCCI. Liên kê một loạt thông tư “đang làm khổ doanh nghiệp”, ông bình luận ở xứ này, “thông tư vẫn to hơn nghị định”.

Ông Đệ nói: “Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng. Thông tư chất lượng kém thì doanh nghiệp không làm ăn được, dẫn tới người dân không có việc làm, và rồi Nhà nước làm sao thu được ngân sách. Tôi rất mong muốn các ý kiến này, các vấn đề mà VCCI đang nghiên cứu đến được Chính phủ, Quốc hội”.

Không khó để dẫn ra những thông tư mà khi ban hành rồi mới biết là chất lượng kém. Thông tư 15/2019 của Bộ KH&CN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ là điển hình này. Văn bản này bị ngưng hiệu lực chỉ 8 tháng có hiệu lực.

Nguyên nhân là, dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các bên, nhất là người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trong góp ý dự, nhưng thực tế với trường hợp này, doanh nghiệp không có cơ hội góp ý dự thảo cuối. Đến khi ban hành mới ngã ngửa ra vì các nội dung bất hợp lý.

Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ băn khoăn là dù rất tích cực tham gia góp ý dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước, nhưng doanh nghiệp không rõ ý kiến mình được tiếp thu thế nào.

Cũng theo bà Ánh, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế nên nhiều lúc, nhà đầu tư phải đề nghị cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, công văn phản hồi thường chỉ liệt kê các quy định hiện có, mà không giải thích rõ là làm theo quy định nào.

Bà Chu Thị Hoa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Bà Chu Thị Hoa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến từ cơ quan này, bà Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho rằng để khắc phục những hạn chế được nhóm nghiên cứu VCCI chỉ ra, đầu tiên là các cơ quan nhà nước cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản, coi đây là khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật.

Bà Hoa cũng nhấn mạnh cơ quan soạn thảo cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Có vậy mới đưa hơi thở của cuộc sống vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, công tác xây dựng văn bản phải liên thông, gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật. Nếu không sẽ dẫn tới những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.

Chất lượng của thông tư, công văn của cơ quan nhà nước không hoàn toàn gam mầu xám. Báo cáo nghiên cứu của VCCI có liệt kê một só ví dụ tốt gần đây, như như Thông tư 29/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn việc duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành 12 tháng qua đó giải quyết tình trạng thiếu thuốc do COVID19, hay Thông tư 16/2021 của NHNN về triển khai mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử...

“Doanh nghiệp đánh giá cao các thông tư trên bởi tư duy của cơ quan soạn thảo. Thực tế cho thấy, nếu chất lượng thông tư, công văn tốt, có thể tốt hơn cho thực thi luật và ngược lại, thông tin không tốt sẽ cản trở môi trường đầu tư kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế VCCI bình luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm