Doanh nghiệp lúng túng, khó khăn vì luật chồng luật

(PLO)- Bên cạnh những điểm tích cực, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại cùng các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề trong thực thi các chính sách, pháp luật trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-4, báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” được Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại (VCCI) công bố.

Không biết áp dụng thế nào

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho biết sau khi tổng quát số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành năm 2022, VCCI nhận định dù là có những chính sách tốt nhưng cả doanh nghiệp (DN) và cơ quan nhà nước đều không biết áp dụng thế nào. Chẳng hạn giảm VAT từ 10% xuống 8% thì do phụ lục hướng dẫn dựa vào mã HS cũng như phân loại ngành kinh tế nên “bản thân DN và các chi cục Thuế” đều thấy còn lẫn lộn, chồng chéo, khó áp dụng.

Từ khoảng năm 2005 khi làm Luật DN là Nhà nước đã trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân mà Nhà nước “trót cầm nhầm”. Nhưng hiện nay, Nhà nước lại cầm nhầm nhiều hơn. Mặt khác, cách thiết kế các vấn đề để gây khó cho DN, người dân “tinh vi” hơn nhiều.

Luật xuất phát từ chính sách, chính sách phải ổn định thì luật pháp mới ổn định. Những người “cầm trịch” phải lo việc này theo tư tưởng để các DN đều cùng bình đẳng trên một nền tảng pháp luật.

PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế

“Hay chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thì gặp rắc rối ở việc hướng dẫn “điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ lãi suất này là phải có khả năng phục hồi”. Cả DN lẫn các ngân hàng đều gặp rắc rối vì không biết như thế nào là một DN có khả năng phục hồi” - ông Đức nói.

Cùng với đó, những lo ngại về thanh tra, kiểm tra, cấp bù… khiến chính sách này khó đi vào cuộc sống. “Đây là một lỗi rất nhỏ trong quá trình xây dựng văn bản. Ban đầu chúng ta tính không kỹ thì có thể gây những hệ quả là một chính sách lớn bị dừng lại” - ông Đức nhận xét.

Ông Đức cũng cho hay quá trình xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đang bị lạm dụng, đưa ra các yêu cầu quá cao, gây tốn kém chi phí cho DN, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề nóng.

“Hay với trái phiếu DN, Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định dù tốt nhưng không có lộ trình áp dụng dẫn đến nghị định này như một cú “phanh gấp”” - ông Đức nhận định.

Không biết theo luật nào

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết: Hiện lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan, chồng chéo đang phổ biến. “Để ra đời một dự án có bốn con dấu chính, rất nhiều dấu phụ, mất khoảng hai năm. Sự chồng chéo của pháp luật ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư, hoàn thiện dự án” - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp dẫn ví dụ, chẳng hạn Luật Quy hoạch đô thị thì quy định chấp thuận chủ trương rồi mới ra được quy hoạch, còn Luật Đầu tư thì nói phải có quy hoạch trước mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là vấn đề “quả trứng, con gà”.

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% vướng nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận gói vay. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% vướng nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận gói vay. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Hay Luật Đất đai quy định phải nộp 100% tiền mới được cấp sổ hồng nhưng Luật Nhà ở thì cho 95% cũng được. Chúng tôi không biết theo luật nào” - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, dẫn đến tình trạng này là do bộ nào cũng chăm chăm vào luật của mình được giao soạn thảo. Các luật đều thòng một câu “Nếu có mâu thuẫn, khác các luật khác thì áp dụng theo luật này”. “Với DN và người dân thì không biết theo luật nào. Cơ chế về soạn thảo pháp luật đang vấp phải cái này” - ông Hiệp nhận định.

Ông Hiệp kiến nghị Quốc hội cần có các chuyên gia “đặc biệt xuất sắc” để tổng hợp, tham mưu vì mấy trăm đại biểu Quốc hội không phải ai cũng là luật sư nên bỏ phiếu nhiều khi không để ý.

Thiết kế rào cản “tinh vi” hơn

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng rủi ro pháp lý ở Việt Nam có nhiều khía cạnh, đó là thay đổi chính sách liên tục, DN khó đoán định.

“Rủi ro từ chất lượng văn bản được ban hành mới lớn hơn. Điều này được nhận diện rồi nhưng đến nay không khắc phục được. Các quy định vẫn chồng chéo, ban hành mới vẫn mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn ngành nghề kinh doanh công khai có hơn 227 ngành nhưng thực tế nhiều hơn rất nhiều, cải cách vẫn mang tính hình thức nên rủi ro thực thi vẫn rất lớn” - bà Thảo nhận định.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, nhận định: Những vướng mắc, khó khăn, rủi ro pháp lý ở ta là do luật của ta sinh ra để quản lý, khác với thế giới làm luật để phát triển.

Theo ông Cung, có nhiều luật cần phải bỏ đi để thúc đẩy phát triển. Tuy vậy, muốn thúc đẩy phát triển thì phải duy trì và phát triển tư duy kinh tế thị trường trong hoạch định chính sách. Mặt khác, cần phải duy trì được động lực và thúc ép cải cách.

“Thế nhưng mấy chục năm nay thúc ép cải cách ngày càng giảm đi. Đáng lo ngại là ít có ai kêu gọi, thúc đẩy cải cách” - ông Cung nói.

Xu hướng giảm số lượng văn bản pháp luật mới

Theo thống kê của VCCI, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại trung ương đã ban hành 636 VBQPPL, trong đó có 12 luật của Quốc hội, ba pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng. So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm.

Xu hướng giảm số lượng văn bản pháp luật ban hành mới đã diễn ra trong nhiều năm. Có thể kể ra một số nguyên nhân của tình trạng này như sau.

Thứ nhất, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 yêu cầu phải thực hiện cơ chế hai bước, đề xuất chính sách và xây dựng dự thảo, đã khiến số lượng luật và nghị định không đầu giảm so với trước đó.

Thứ hai, chủ trương hạn chế ban hành VBQPPL cấp thông tư và thông tư liên tịch cũng làm giảm số văn bản do các bộ trưởng ban hành.

Thứ ba, việc áp dụng rộng rãi hơn cơ chế một văn bản sửa nhiều văn bản cũng khiến số lượng VBQPPL giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm