Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 vừa được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục thu hẹp dần đối tượng doanh nghiệp (DN) được vay ngoại tệ.
Nhiều thay đổi về cho vay ngoại tệ
Hiện nay đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ là các DN có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và dịch vụ cho nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh. Hoạt động cho vay này sẽ chấm dứt kể từ cuối năm nay (31-12-2018), tức chỉ còn hơn một tháng nữa.
Tuy nhiên, theo nội dung sửa đổi tại dự thảo Thông tư 24/2015 vừa công bố, việc cho vay này được chi tiết hóa theo thời gian vay vốn và mục đích sử dụng vốn. Trong đó có đối tượng chỉ được gia hạn thời gian vay ngoại tệ thêm 3-9 tháng, nhưng có đối tượng lại không bị giới hạn về thời gian.
Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước chỉ được thực hiện đến hết 31-3-2019. Cùng với mục đích trên nhưng nếu cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết 30-9-2019.
Riêng đối với việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không bị giới hạn về thời gian. Song để được lọt vào danh sách những công ty đủ điều kiện được vay ngoại tệ thì khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Đại diện NHNN Việt Nam lý giải: Quy định như trên nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. “Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỉ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định” - đại diện NHNN cho hay.
Hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh vay USD vì lãi suất cho vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất VND. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng lý giải việc dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian vay ngoại tệ đối với công ty xuất khẩu nhằm tiếp tục hỗ trợ nhà kinh doanh và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn. Từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, nhất là xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Không nên chấm dứt đột ngột
Ông Hồ Đắc Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, phân tích: Dự thảo Thông tư 24/2015 quy định với những công ty nhập khẩu chỉ được gia hạn thời gian vay ngoại tệ thêm 3-9 tháng. Điều này sẽ rất khó cho các công ty nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu. Do vậy NHNN cần phải xem xét một cách thấu đáo, kỹ càng hơn và cần tham khảo ý kiến của các bên liên quan.
“Bởi nếu ban hành chính sách mà không tham khảo ý kiến của các bên liên quan một cách đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều trường hợp dễ bị thiệt thòi. Nói cách khác, việc dừng cho vay ngoại tệ như vậy giống mệnh lệnh hành chính hơn là mang tính thị trường” - ông Lam nói.
Đại diện một công ty dệt may cũng cho hay nếu dừng cho vay với DN nhập khẩu sẽ khiến nhiều công ty thiệt thòi lớn. Lý do, việc được vay USD như hiện nay giúp nhà kinh doanh vừa đỡ lo rủi ro về biến động tỉ giá, cộng thêm với mức lãi suất vay USD thấp hơn rất nhiều so với vay bằng VND nên giảm được chi phí vốn vay.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng: Dự thảo quy định DN nhập khẩu vay USD trong ngắn hạn phải dừng ở ngày 31-3-2019 và vay trung hạn phải dừng ở ngày 30-9-2019. Thời hạn như vậy là khá gấp gáp đối với các DN và tổ chức tín dụng đã, đang vay và cho vay ngoại tệ.
Hơn nữa, các mốc thời gian trên cũng chưa rõ ràng, chưa xác định rõ các thời điểm nêu trên là để chấm dứt ký hợp đồng cho vay ngoại tệ mới với các DN nhập khẩu hay là thời điểm để các đơn vị kinh doanh phải tất toán khoản vay cũ.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nêu quan điểm: Chủ trương chuyển dần quan hệ tín dụng từ vay mượn ngoại tệ sang mua bán nhằm thực hiện chính sách chống đôla hóa nền kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, việc dừng cho vay ngoại tệ cần phải có lộ trình hợp lý, không nên thắng gấp, dừng một cách đột ngột sẽ gây sốc cho nhà kinh doanh lẫn thị trường ngoại tệ.
Hơn nữa, theo quy định của dự thảo, tới đây DN nhập khẩu sẽ không được vay mà chỉ có DN xuất khẩu được vay USD. Như vậy, với DN vừa nhập khẩu lại vừa xuất khẩu thì họ phải làm sao để có ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh?
“Từ sự phân tích trên, tôi đề nghị NHNN cần quy định cụ thể, chi tiết để thuận lợi cho cả ngân hàng và DN khi thẩm định dòng vốn ngoại tệ. Đồng thời khi quy định rõ ràng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng một số nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở của chính sách để làm khó DN vay ngoại tệ” - vị tổng giám đốc ngân hàng trên nhấn mạnh.
Trao thêm quyền cho người vay Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư 24/2015 là khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác không phải là nơi cho vay. Đối với tổ chức tín dụng cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đi vay vì theo quy định hiện hành tại Thông tư 24, người đi vay chỉ được mua ngoại tệ tại chính tổ chức tín dụng cho vay. Lãi suất cho vay ngoại tệ tăng Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đắc Lam cho hay lãi suất cho vay ngoại tệ hiện tăng cao hơn trước. Nếu cuối năm ngoái, lãi suất vay USD chỉ 2%-2,5%/năm thì hiện nay lãi suất vay USD đối với DN lớn đã lên 3,5%-4%/năm. Thậm chí với những DN nhỏ có thể phải vay USD với lãi suất lên tới 5%/năm. Điều này sẽ làm tăng chi phí vốn cho nhà kinh doanh. |