Doanh nghiệp nhỏ bở hơi tai với chi phí logistics khi xuất khẩu trực tuyến

(PLO)- Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp thách thức lớn về cả chi phí logistics lẫn tính an toàn cho hàng hóa khi xuất khẩu trực tuyến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tăng trong 5 năm gần đây nhưng chi phí logistics cao là trở ngại với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Chi phí logistics chi phối mạnh các doanh nghiệp SME

Bà Thu Lê, Phó Giám đốc marketing của một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản khô, cho biết dù là hình thức bán lẻ hay bán sỉ thì chi phí logistics cũng đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp.

“Lấy ví dụ các mặt hàng của công ty chúng tôi là đồ khô, giá trị đơn hàng nhiều khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng chi phí vận chuyển đi nước ngoài lại khá cao. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” - bà Thu lo ngại.

Tương tự, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty DSW, chuyên kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT Alibaba.com cũng lo ngại sức cạnh tranh hàng Việt sẽ giảm trên thị trường xuất khẩu trực tuyến nếu doanh nghiệp bị chi phối quá nhiều bởi chi phí logistics.

"Các năm trước đây, dù bán trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nhưng khi có đơn hàng chúng tôi vẫn phải tự tìm đơn vị vận chuyển. Vì vậy sức ép chi phí và rủi ro hàng hóa luôn là áp lực với doanh nghiệp.

Một năm trở lại đây, các sàn TMĐT xuyên biên giới bắt đầu tích hợp các đơn vị vận chuyển, đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam được ghép chuyến với các nước lân cận trong khu vực, từ đó giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nước ta” - bà Yến Phi nói.

Dù vậy, theo bà Yến Phi, so với các nước trong khu vực nhất là Trung Quốc, chi phí vận chuyển của nước ta vẫn đang khá cao.

chi phí logistics
Chi phí logistics được coi là gánh nặng đối với các SME khi xuất khẩu trực tuyến. Ảnh: THU HÀ

Giải pháp cho các nhà bán hàng

Trao đổi với PLO tại buổi trò chuyện về giải pháp dịch vụ logistics trực tuyến cho các nhà bán hàng Việt Nam mới đây, ông Rouger Lou - Giám đốc Alibaba.com Việt Nam thừa nhận logistics là một trở ngại lớn đối với các SME.

“Mặc dù TMĐT xuyên biên giới đang bùng nổ và mở ra nhiều cơ hội cho các SME, nhưng họ cũng phải phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quy trình xuất khẩu.

Các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp vận chuyển hiệu quả và đáng tin cậy để đảm bảo giao hàng đúng hẹn, đồng thời giảm thiểu chi phí và các rủi ro về hàng hóa” - ông Lou nói.

Vị này cho rằng việc cung ứng các dịch vụ logistics trực tuyến là điều cần thiết đối với các SME trong thương mại toàn cầu cũng là cách để giữ chân doanh nghiệp trên nền tảng.

Về giải pháp, Alibaba.com cho biết năm nay đơn vị đã kết hợp với hai "ông lớn" logistics trên thế giới là UPS và DHL để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng từ thời gian 3 đến 7 ngày.

Thông qua các đối tác chuyển phát nhanh quốc tế, Alibaba.com cho biết sẽ đảm bảo rằng hàng hóa được vận chuyển an toàn và đúng lịch trình. Đồng thời cung cấp các công cụ theo dõi đơn hàng chi tiết, dịch vụ tư vấn hải quan, và các giải pháp bảo hiểm hàng hóa.

Về phần thanh toán cước phí, để tăng tính tiện lợi, đơn vị này đã hợp tác với hai đơn vị fintech phổ biến nhất Việt Nam hiện nay là Momo và Zalopay.

Với nỗ lực này, bà Vianne Wang-Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu của Alibaba.com kỳ vọng sẽ giúp đơn giản hóa, giảm chi phí logistics trực tuyến, tăng độ tin cậy giữa người bán và người mua.

Đây là động lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm