Thời gian gần đây, nhiều công ty Việt mở hết room ngoại (được hiểu là khối lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài được phép mua) lên 100% nhằm đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, chấp nhận biến mình thành công ty nước ngoài với những toan tính lớn.
Dồn dập nới room ngoại
Sau khi nắm cổ phần chi phối và đưa người của mình áp đảo tại ban lãnh đạo, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã đưa ra nhiều quyết định thay đổi mạnh mẽ tại Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành sản xuất bia tại Việt Nam.
Mới đây nhất, HĐQT Sabeco công bố nghị quyết thông qua việc không giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco. Điều này cũng đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài sẽ được sở hữu tối đa 100% vốn tại công ty bia hàng đầu Việt Nam này.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2018, Sabeco đã thông qua việc bỏ nhiều ngành kinh doanh như quảng cáo thương mại, kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế và điều chỉnh một số ngành kinh doanh khác.
Trước đó nữa, người Thái đã rất khôn khéo tính toán từng bước trong việc sở hữu Sabeco. Cụ thể để có thể thâu tóm được Sabeco, vị tỉ phú Thái đã đi đường vòng bằng cách thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam là Công ty Vietnam Beverage để chi gần 5 tỉ USD mua gần 54% vốn của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam do room ngoại tại Sabeco ở thời điểm đó chỉ ở mức 49%.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Tuân bình luận đây là những bước đi hợp lý của tỉ phú Thái Lan. “Ví dụ, để dọn đường mở room 100% ngoại, trước đó người Thái đã loại bỏ các quy định ngành nghề hạn chế nới room ngoại” - vị luật sư này phân tích.
Nhưng không chỉ Sabeco, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1, cho biết mới đây các cổ đông đã chấp thuận phương án nới room ngoại lên 100%, vì hiện nay room ngoại 49% của công ty đã gần lấp đầy. Trong khi đó, công ty đang tăng trưởng mạnh với nhiều dự án đầu tư mới nên cần nhiều nguồn vốn ngoại có chất lượng tốt.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, một loạt công ty tên tuổi đã nới mạnh room ngoại. Đơn cử như Công ty Thép Việt Ý (VIS), Dược Hậu Giang (DHG), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI), Công ty Chứng khoán SSI, Nhựa Bình Minh,…
SSI là một trong những doanh nghiệp đã nới room ngoại 100%. Ảnh: PM
Không chỉ có màu hồng
Sau khi mở toang cửa cho nhà đầu tư ngoại, các ông lớn Việt Nam đã gặt hái được một số kết quả bước đầu, đón được các dòng vốn lớn hơn để phát triển công ty. Chẳng hạn Công ty Chứng khoán SSI liên tục nhận được dòng vốn ngoại từ quỹ đầu tư Nhật là Daiwa. Dược Hậu Giang cũng nhận được các gói đầu tư của cổ đông chiến lược Taisho (Nhật) về sản xuất, chuỗi cung ứng, nghiên cứu và phát triển.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Nhìn trên nhiều góc độ, các công ty Việt nới room ngoại giúp tăng tính thanh khoản thị trường chứng khoán; nhận được các dòng vốn ngoại đầu tư ổn định giúp tăng trưởng công ty chứ không phải là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
“Mặt khác, việc nới room sẽ có ý nghĩa rất quan trọng giúp Việt Nam sớm đáp ứng được các tiêu chí để nâng hạng cho thị trường chứng khoán từ nhóm thị trường cận biên lên nhóm các thị trường mới nổi. Vì trước đây Việt Nam vẫn còn vướng tiêu chí mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế” - ông Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, để đạt được sự chấp thuận nới room ngoại 100%, nhiều công ty phải đánh đổi các quyền lợi và chấp nhận cuộc chơi mới trên thị trường. Ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang, thừa nhận công ty phải từ bỏ nhiều ngành nghề như mảng phân phối vốn là thế mạnh và mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty để được nới room cho nhà đầu tư ngoại. Tương tự, Yeah1 đang xem xét loại bỏ nhiều hoạt động kinh doanh để không bị vướng mắc về giới hạn tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Tuân đánh giá nhiều công ty Việt xem nới room ngoại để tìm kiếm cơ hội hợp tác đối tác ngoại nhằm hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh khả thi. Nhưng mặt sau của nới room ngoại là các công ty Việt phải chấp thuận hoạt động theo các điều kiện của Luật Đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều điều không cho phép kinh doanh một số ngành nghề, như vậy sẽ bỏ mất nhiều cơ hội tốt vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Nhà đầu tư ngoại phải ra đi Trong khi nhiều công ty đang hồ hởi tìm cách đáp ứng các điều kiện để mở hết room ngoại thì nhiều công ty tìm cách khóa chặt room ngoại nhằm chống bị thâu tóm. Mới đây nhất, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bất ngờ khóa room ngoại xuống mức 0% trước khi chuẩn bị đợt thoái vốn của Nhà nước. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 10,86% vốn cổ phần Vinaconex. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu cổ phiếu Vinaconex buộc phải bán ngay hoặc thoái vốn dần khỏi công ty. Tại đại hội cổ đông bất thường vừa qua, Tập đoàn Pan cũng đã khóa room ngoại ở mức 49% trong khi trước đó công ty này hoàn toàn không hạn chế tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Pan, giải thích: “Pan muốn phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, luôn muốn là tổ chức kinh tế trong nước, không phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục đầu tư như một nhà đầu tư nước ngoài”. Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định đối với những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối thì tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại có thể lên tới 100%. Đối với những ngành nghề có hạn chế sở hữu nước ngoài, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong từng doanh nghiệp cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa trong lĩnh vực, ngành nghề mà công ty đó hoạt động. Với một số ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xuất khẩu lao động, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn... thì không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. Nghĩa là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 0%. |