Nhiều khả năng TQ sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN)) và bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN mà nước này đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 (Châu Viên, Chữ Thập, Huy Gơ, Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi) và năm 1995 (đá Vành Khăn). Nguy hiểm hơn, phạm vi vùng nhận dạng phòng không mà TQ dự định công bố sẽ bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế của VN, Philippines và Malaysia.
Về bản chất, các quốc gia chỉ được thiết lập ADIZ trên vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia nhằm mục đích an ninh, quốc phòng. Theo đó, mọi máy bay nước ngoài khi bay vào vùng ADIZ thì phải nhận dạng, xác định rõ vị trí và phải chịu sự kiểm soát của quốc gia quản lý ADIZ… Với yêu cầu như thế, TQ không có bất kỳ căn cứ gì để xác lập ADIZ khi tất cả đảo, đá trên đây vốn thuộc chủ quyền của VN mà TQ đã xâm chiếm, cưỡng chiếm trái phép. Mặt khác, vùng trời phía nam biển Đông hiện do FIR Hồ Chí Minh (Flight Information Region Ho Chi Minh) hướng dẫn và thông báo bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng quốc tế và được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế - ICAO thừa nhận.
Về phương diện pháp luật quốc tế, nếu TQ ngang ngược tuyên bố ADIZ ở biển Đông thì đây là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời xâm phạm các quyền thuộc chủ quyền, quyền tài phán của VN và các nước khác liên quan, cũng như xâm phạm quyền tự do hàng không của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Về phương diện quan hệ quốc tế, nếu TQ tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Đông thì chẳng khác gì hành vi “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho mối quan hệ giữa nước này với các nước trong khu vực và thế giới trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là dự định tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Đông của TQ được đưa ra trước thời điểm diễn đàn Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La lần thứ 15 sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 3-6 tới đây với sự tham gia của bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản. Điều này sẽ làm cho diễn đàn trở nên căng thẳng và phản ứng mạnh mẽ hơn trước cách hành xử của TQ.
Thêm nữa, trước khi Tòa trọng tài luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines kiện TQ, nếu tuyên bố này được đưa ra thì đây chính là minh chứng cụ thể nhất chứng minh quan điểm, lập trường bất chấp phán quyết của tòa trọng tài này. Đây là hành động có chủ đích và rất thâm hiểm của TQ.
Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực và thế giới đã luôn chờ đợi và hy vọng TQ - một nước lớn, một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ hành động có trách nhiệm trên tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý và hành xử văn minh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, càng chờ đợi, càng hy vọng thì thế giới và nhân loại tiến bộ lại càng thất vọng với cách hành xử ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và công lý của TQ.
Thế giới cần TQ hành xử có trách nhiệm hơn với cộng đồng quốc tế trên tinh thần thượng tôn pháp luật để hủy nước cờ tàn trong ván cờ “độc chiếm biển Đông” phi pháp của họ.
TS NGÔ HỮU PHƯỚC (Phó Trưởng khoa Luật quốc tế,
Trường ĐH Luật TP.HCM)