Ông Đoàn Văn K. và ông Dương Ngọc H. là hàng xóm sát vách nhau. Ban đầu hai bên sống đoàn kết, mở đường đi chung. Nhưng sau đó do mâu thuẫn phát sinh nên cả hai chặn đường, bít lối đi.
Bỗng dưng cây mít chết
Do cả hai không xây mốc ranh giới nên khoảng năm 2000 ông K. trồng một cây mít để chia ranh đất giữa hai gia đình. Lúc đầu cây mít nằm hoàn toàn bên đất của ông K. Về sau, ông H. xây tường kiên cố, phát hiện cây mít lấn sang phần đất của mình nên cho người cưa một phần gốc mít lấn sang để làm tường theo dự định.
Gần một tháng sau, cây mít trụi lá rồi chết. Tức giận, ông K. chửi bới và yêu cầu ông H. phải xin lỗi và bồi thường do làm chết mít nhưng không được chấp nhận. Tháng 4-2012, ông K. đã làm đơn khởi kiện ra TAND một huyện tại tỉnh Thanh Hóa đòi ông H. chịu trách nhiệm.
Theo đơn khởi kiện, ông K. cho rằng trước đây khi trồng mít, ông đã trồng cách đất của hàng xóm 0,5 m nhưng về sau khi mít lớn thì có một vài nhánh đâm qua phía đất của ông H. Tuy nhiên, các nhánh này đã được ông cắt tỉa. Thực tế, thân mít vẫn nằm hoàn toàn bên địa phận đất của ông, ông không hề lấn đất...
Hòa giải không thành
Tại phiên hòa giải mới đây, ông H. vẫn nhất định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K. vì cho rằng ông xây tường là đúng quy định. Dù khi xây tường ông có tác động tới cây mít của ông K. vì gốc mít này lấn sang địa phận đất của ông. Tuy nhiên, cây mít của ông K. chết không phải do ông gây ra nên ông không có lỗi.
Không chấp nhận ông K. bảo thân mít và gốc mít hoàn toàn không lấn sang phần đất hàng xóm, có chăng chỉ là rễ của cây mít. Tuy nhiên, rễ mít lấn sang phần đất của ông H. cũng chỉ là lỗi khách quan không thể kiểm soát. Nếu ông H. xây tường, khi đào đất phát hiện rễ mít này thì nên thông báo để cả hai cùng giải quyết, không thể tự ý xâm phạm. Mặt khác, trước đó ông có trồng giàn bầu leo lên cây mít, giàn bầu này hằng năm giúp ông thu lợi cả triệu đồng. Từ đó ông buộc ông H. phải bồi thường cho ông 28 triệu đồng tiền mít và 1 triệu đồng tiền giàn bầu, tổng cộng là 29 triệu đồng.
Trước lý lẽ này, ông H. nói việc xây tường là quyền của ông, ông có quyền định đoạt và giải quyết mọi vấn đề trên phần đất này nên nếu có xâm phạm rễ mít làm mít chết hay giàn bầu chết ông cũng không phải chịu trách nhiệm. Chưa kể cây chết dù có do ông chặt rễ nhưng rễ nằm trên địa phận đất của ông, dù là dưới lòng đất nhưng cũng là không gian đất của ông nên ông không có lỗi. Từ đó ông giữ nguyên quan điểm.
* * *
Hiện tòa đã tiến hành hòa giải lần thứ nhất, dự tính đầu tháng 9-2012, tòa sẽ tiến hành hòa giải lần hai, nếu không thành thì tòa sẽ đưa vụ án ra xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.
Phải thông báo cho chủ cây trước khi chặt Ông H. có quyền chặt bỏ phần rễ lấn sang phần đất của mình nhưng phải thông báo trước cho phía chủ cây. Kỹ hơn nữa, nếu thông báo nhưng chủ cây không chặt thì ông báo cơ quan chức năng. Sau khi thông báo không được phản hồi... thì lúc này ông mới có thể tiến hành việc chặt bỏ rễ cây. Việc thông báo này nhằm tránh thiệt hại về tài sản cho phía chủ cây. Mặt khác, trong vụ này thì tình làng, nghĩa xóm vẫn cao hơn nên việc ông H. hỏi ý kiến hàng xóm trước khi chặt phần rễ này cũng là hợp lý để tránh làm mất mát tình cảm đôi bên. Luật sư HOÀNG TƯ LƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
THANH BÌNH