Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: 'Không đổi mới thì có khi cản trở quá trình phát triển'

(PLO)- “Nếu rập khuôn quá thì sẽ bó thực tiễn. Nếu tùy tiện quá thì sẽ phá vỡ nguyên tắc của Đảng. Nếu bao biện quá thì sẽ bó tay, mà nếu buông lỏng thì không kiểm soát được”- Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-6, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra các bàn luận về việc nâng cao chất lượng, cách thức ban hành các văn bản của Đảng; về nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ; phương thức lãnh đạo của Đảng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T.T

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T.T

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu và nhận xét việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề toàn diện, xuyên suốt và phải được đồng bộ và phải liên thông nhau.

“Không đổi mới thì có khi cản trở quá trình phát triển” - bà Mai nói và cho rằng phương thức lãnh đạo của Đảng phải không ngừng đổi mới để đáp ứng được nhu cầu của từng giai đoạn.

Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, mỗi giai đoạn có một yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện, mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức phân hóa để phù hợp với tính chất từng nơi.

Về việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, dù cùng một nội dung nhưng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Như TP.HCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Bà đặt vấn đề liệu rằng HĐND TP phải thực hiện công tác giám sát 16 quận, 290 phường thì có khả thi hay không. Bà cũng nhắc đến TP Thủ Đức, vừa thành lập nhưng tỉ lệ thu ngân sách đạt mức cao với 70.000 tỉ, hơn cả Bình Dương, Đồng Nai. Với số dân 1,1 triệu người, bà đặt vấn đề việc tổ chức bộ máy của TP trong TP này phải được nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo vận hành thông suốt, phát triển đúng với mục tiêu đã đề ra.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Thị Mai nói thêm, một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua công tác tổ chức, cán bộ.

Bà cho hay, công tác đánh giá cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Sắp tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ trình thí điểm cơ chế bổ nhiệm cán bộ nhanh hơn, theo cơ chế đặc thù với cán bộ trẻ, cán bộ giỏi, có năng lực nổi trội, đáp ứng được yêu cầu.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nhiệm vụ đổi mới sẽ tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc, những nội dung nào đã chắc chắn thì cần có quy định cụ thể. Những nội dung, vấn đề gì chưa chắc chắn thì thực hiện thí điểm và chỉ có mạnh dạn thí điểm mới có căn cứ, cơ sở để quyết định, tạo sự phát triển.

“Nếu rập khuôn quá thì sẽ bó thực tiễn. Nếu tùy tiện quá thì sẽ phá vỡ nguyên tắc của Đảng. Nếu bao biện quá thì sẽ bó tay, mà nếu buông lỏng thì không kiểm soát được. Do đó, yêu cầu đặt ra là tất cả những vấn đề này phải được cân đối”- bà Trương Thị Mai chia sẻ và cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến các đại biểu.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết trong những nhiệm kỳ gần đây, vai trò hiệu quả lãnh đạo của Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao.

Dù vậy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp; việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời..

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng tham gia quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập…

Cũng tại hội thảo này, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, cho biết tại TP.HCM có bốn xã, phường có trên 100.000 dân, 51 xã phường có trên 54.000 dân.

Tỉ lệ dân cư cao nhưng quản lý biên chế bị khống chế như những địa phương khác khiến tiến độ giải quyết công việc cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, Ban Tổ chức Thành ủy kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy thí điểm chọn đào tạo cán bộ trẻ, nữ, trí thức trẻ vào chương trình tập sự chức danh Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường để đào tạo cán bộ trẻ, tham gia giải quyết hồ sơ tồn đọng. Khi có điều kiện, đạt tiêu chuẩn nhất định, đáp ứng được yêu cầu sẽ đưa vào quy hoạch.

Ông Lộc cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu giao cho các tỉnh ủy, thành ủy quyết định số lượng cấp phó cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm