'Đổi mới thi cử không tạo cú sốc trong học sinh'


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lới chất vấn

Lo ngại tỉ lệ tốt nghiệp thấp

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) chất vấn về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái do các Sở GD&ĐT chủ trì, các trường phổ thông trông thi nên kết quả cao, năm nay trường ĐH chủ trì, làm nghiêm thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc chấm và coi thi đều có quy chế. Các thầy cô giáo ở địa phương hay ở Trung ương đều vì học sinh thân yêu cả. Các cháu tốt nghiệp ở phổ thông nếu có năng lực sẽ tiếp tục gặp thầy cô ở các trường ĐH, CĐ.

“Chúng tôi đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, làm sao để học sinh thi cử một cách nghiêm túc, chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử” – ông Luận nói.

Qua chương trình truyền hình trực tiếp, ông Luận cũng trấn an các em học sinh: "Các cháu nên yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Sẽ không có cú sốc đối với xã hội trong quá trình triển khai. Mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo không phải là tạo ra những cú sốc mà tạo ra sự thay đổi từ sự chuyển biến từ chất lượng, ngày càng tốt lên".

Trả lời chất vấn của một ĐB về việc thi theo cụm sẽ giảm cơ hội vào ĐH của thí sinh, nhất là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa không tham gia cụm thi do trường ĐH tổ chức.

Bộ trưởng Luận khẳng định đổi mới kỳ thi lần này, Bộ quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về mình, tạo phần thuận lợi tối đa cho các cháu.

Có thể thấy với kỳ thi THPT quốc gia, số lần đi thi, bài làm, khoảng cách đi đã giảm đi. Các cháu có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển.

Với các cháu chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký thi đại học thì vẫn có cơ hội vào đại học. Bởi thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tuyển sinh riêng. Hiện rất nhiều trường đã có phương án tuyển sinh riêng.

Triển khai thông tư 30 không gặp vấn đề gì ?

Tiếp nối, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đặt ra vấn đề về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bên cạnh tích cực còn ý kiến trái chiều, nhất là khen thưởng cuối năm, có nơi khen thưởng khắt khe quá, có nơi lại khen thưởng dễ dãi quá. Nhiều bậc phụ huynh năm nay không biết con mình điểm số như thế nào vì không có xếp loại học lực khá, giỏi.

Ông Luận cho rằng việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm, sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với điểm thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước phát triển, phù hợp với thay đổi động lực học tập của các cháu, từ học vì điểm số sang học để hình thành kỹ năng, phẩm chất con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này được nghiên cứu, tiếp thu với kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ từ WB và nhiều chuyên gia, đã triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm tại hơn 1.000 trường.

Trong quá trình triển khai đồng loạt có xuất hiện một vài trục trặc nhỏ: Như nơi khen thưởng khắt khe quá, nơi nới rộng quá, gia đình không biết điểm số của các cháu. Chúng tôi sẽ có chấn chỉnh.

Qua thăm dò trên các phương tiện truyền thông và nắm được của Bộ GD&ĐT, thấy được học thêm dạy thêm giảm đi.

“Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe để có điều chỉnh, tập huấn cho giáo viên, lãnh đạo các cấp để giải quyết các vướng mắc về đánh giá học sinh tiểu học mà đại biểu nêu và Bộ nắm được” – ông Luận chia sẻ.

Trả lời ĐB Minh, ông Luận cho biết: Khi triển khai Thông tư 30, khối lượng công việc của giáo viên có tăng lên. Vì mới làm nên thầy cô giáo còn bỡ ngỡ, chưa quen, nên vất vả hơn.

“Như quyển sổ giáo viên, đây thực chất là quyển sổ tay để giáo viên ghi nhớ những điều cần lưu ý với học sinh, những điều cần trao đổi với phụ huynh..., thì thực tế quyển sổ này lại trở thành chứng cứ để Hiệu trưởng kiểm tra đánh giá xem giáo viên có làm tốt không? Phòng GD&ĐT kiểm tra xem trường có làm tốt không. Bởi vậy, giáo viên ngày nào cũng phải ghi chép, đó là sự lệch lạc cần chấn chỉnh”.

Thực tế triển khai Thông tư 30 ở các tỉnh, miền núi, nơi đông học sinh và thầy cô giáo là người dân tộc ít người, những trường càng khó khăn việc triển khai lại nhẹ nhàng và hiệu quả rất rõ rệt. “Ví dụ, ở Lào Cai, bản tôi đã đến tận nơi không phải chỉ một lần; Nghệ An, chúng tôi cũng vào vùng sâu không phải 1 lần và nhiều tỉnh khác nữa, nhưng việc triển khai đều không gặp vấn đề gì” – ông Luận nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới