Phương pháp dạy theo lối thầy đọc - trò chép thực chất là phương pháp dạy đơn giản nhất, khô cứng nhất, không những vậy mà đó còn là cách lười nhất. Một tiết học kéo dài 45 phút, giáo viên (GV) nói cả 45 phút là cách làm lười nhác. GS-TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh như trên khi bàn về vai trò của người thầy trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng đổi mới giáo dục quan trọng nhất là đổi mới người thầy. Ý kiến của giáo sư (GS) về vấn đề này?
+ GS-TS Đinh Quang Báo: Theo tôi, đổi mới giáo dục phải thực hiện đồng bộ, toàn diện. Trong đó không phải chỉ có GV đổi mới mà người quản lý, khâu kiểm tra, đánh giá và hoạt động thi cử cũng sẽ phải đổi mới theo. Tuy nhiên, nếu nói đến đổi mới phương pháp giảng dạy thì trực tiếp nhất vẫn là GV. Do vậy, GV là yếu tố quan trọng nhất. Ngành giáo dục phải trang bị cho họ kỹ năng đổi mới phương pháp dạy, hay nói cách khác là làm thay đổi người thầy để họ có đủ khả năng triển khai các phương pháp dạy học tinh tế nhằm phát triển năng lực của học sinh (HS).
. Ngành giáo dục cũng không ít lần hô hào GV thay đổi phương pháp dạy nhưng có vẻ như không có hiệu quả. Theo GS, nguyên nhân do đâu?
+ Hiện nay hầu hết GV phổ thông trên cả nước đều dùng cách dạy, cách truyền kiến thức một chiều. HS thì ghi nhớ, còn GV thì phát ra thông tin. Nếu GV đọc chép HS có thể thuộc nhưng không hiểu nó là cái gì, thậm chí có hiểu nhưng không thể vận dụng vào thực tế, kiến thức sẽ trôi đi nhanh chóng.
Ngành giáo dục phải đi trên “đường ray” mới với cách dạy mới, cách học mới, cách đánh giá mới. Ảnh: HÀ AN
Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối cách dạy và cách học này nhưng trên thực tế không cải thiện được bao nhiêu do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là tỉ lệ HS “đạt” qua các kỳ thi, kiểm tra luôn trên 90%. Với kết quả cao như vậy cho thấy “tính hiệu quả” của phương pháp dạy này sờ sờ ra đó, đâu ai muốn tìm cách thay đổi làm gì!
. Có nghĩa là muốn GV thay đổi cách dạy thì nhà trường phải thay đổi trước cách đánh giá và hoạt động thi cử của HS, thưa GS?
+ Đúng vậy. Có thể nói nguyên nhân sâu xa dẫn tới GV “lười” đổi mới đó là cách thức đánh giá HS chậm đổi mới. Cách đánh giá này chỉ đòi hỏi HS học thuộc lòng mà không có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Hay nói cách khác, nhà trường dùng “thước đo” nào để đánh giá HS thì GV sẽ dạy HS theo “thước đo” ấy.
Vì thế theo tôi, đổi mới kiểm tra, đánh giá tuy không phải là tất cả nhưng sẽ làm “rung chuyển” đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố người học phải học theo một cách khác và người dạy phải dạy theo cách khác.
. Đổi mới phương pháp dạy đã khó, tới đây lại dạy theo hướng tích hợp. Như vậy có phải làm khó GV không?
+ Để bỏ đi một thói quen đã ăn sâu trong người thầy không hề đơn giản. Điều này cũng có thể gây nhiều khó khăn cho GV nhưng không vì khó mà chúng ta không làm. Ngành giáo dục đang đi trên một “đường ray” đã lỗi thời. Bây giờ phải thay thế bằng một “đường ray” mới với phương pháp dạy mới, cách học mới, cách đánh giá mới. Hay nói cách khác là đưa GV và HS vào một “đường ray” mới thì mới có thể thay đổi được cách dạy cũ.
Cách dạy trong trường sư phạm cũng phải đổi “Đào tạo, đổi mới người thầy như thế nào để sinh viên các trường sư phạm ra trường có thể dạy luôn chương trình mới. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách bây giờ là đổi mới chương trình đào tạo ở trường sư phạm” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh tại Hội thảo Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và GV phổ thông ngày 27-5 tại TP Hà Nội. Ông Hiển cũng cho rằng nội dung kiến thức có thể vẫn như thế nhưng cách dạy của GV phải thay đổi cho phù hợp, phải chuyển từ dạy theo phương pháp trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Cũng theo ông Hiển, bên cạnh việc học ở trường sư phạm thì GV phải tiếp tục trau dồi, học thêm trên tinh thần học cả đời để đáp ứng được những yêu cầu mới, những thay đổi của xã hội. |