Hãng tin Reuters ngày 30-5 dẫn nhận định nhiều chuyên gia rằng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza, cũng như vấn đề Biển Đông sẽ là những chủ đề trọng tâm tại Đối thoại Shangri-La hay còn gọi là Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á.
Sáng nay 31-5, Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc tại Singapore và kéo dài tới ngày 2-6.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn thường niên thu hút các quan chức quốc phòng hàng đầu, sĩ quan quân sự cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới.
Năm nay, khoảng 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La.
Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ có bài phát biểu khai mạc quan trọng trong ngày đầu tiên của hội nghị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin sẽ phát biểu vào ngày 1-6.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La.
Các nhà phân tích cho rằng Đối thoại Shangri-La rất hữu ích cho các cuộc gặp song phương và đa phương giữa quân đội các nước bên lề các phiên họp toàn thể và các bài phát biểu của các bộ trưởng quốc phòng.
Trước đó, có thông tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại Đối thoại Shangri-La.
Tuy nhiên phía Trung Quốc không xác nhận thông tin này mà chỉ nói rằng Bắc Kinh “tin rằng liên lạc quân sự chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ giúp ổn định quan hệ quân đội với quân đội”.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định cuộc gặp giữa ông Austin và ông Đổng, nếu diễn ra, có thể không dẫn đến kết quả có ý nghĩa.
“Mỹ và Trung Quốc có rất ít sự tin tưởng hoặc đồng thuận về lợi ích chung” - ông Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện là chuyên gia tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.
Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đánh giá rằng “sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc sâu sắc đến mức sự cạnh tranh giữa hai cường quốc đã trở thành một thực tế mang tính cấu trúc”.
“Duy trì liên lạc chiến lược có lẽ là điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng để đảm bảo cuộc cạnh tranh chiến lược này không suy thoái thêm nữa” - ông Koh nói.
Mặc dù các chuyên gia kỳ vọng sự tham gia đông đảo của các quan chức quốc phòng phương Tây tại Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ tập trung phần nào vào tình hình ở Ukraine và Gaza, nhưng các vấn đề liên quan Trung Quốc rất có thể sẽ là trọng tâm.
Chuyên gia Koh cho rằng bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Marcos sẽ đưa các vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự và các vấn đề Đài Loan cũng sẽ được Mỹ và các đồng minh nêu ra.