Đông Âu – cơn đau đầu dai dẳng của NATO

(PLO)- NATO có thể bảo vệ các thành viên Đông Âu trước sức ảnh hưởng của Nga, nhưng không thể giải quyết các vấn đề nội bộ của mình. Đây là một mối đe dọa được phóng viên Sabina Fati của trang DW tại Romania cảnh báo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong Khái niệm chiến lược 2022 được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố cuối tháng 6, Nga được đề cập 14 lần và Trung Quốc 11 lần. Sự tập trung mạnh mẽ vào liên minh Moscow-Bắc Kinh cho thấy một thực tế là NATO nhận thức rõ những rủi ro và khẩn trương chuẩn bị đối phó.

Hệ thống phòng không Patriot của NATO đặt tại căn cứ không quân Sliac ở Slovakia. Ảnh: EPA

Hệ thống phòng không Patriot của NATO đặt tại căn cứ không quân Sliac ở Slovakia. Ảnh: EPA

Theo đó, sườn phía đông của NATO sẽ được củng cố theo nhiều cách. Ba Lan và Romania sẽ được nâng cấp thành các trụ cột thiết yếu của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu này. Binh lính dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mỹ sẽ được chuyển đến khu vực.

NATO cũng sẽ mở cửa cho các thành viên mới và hiện tại các nước ở phía tây khu vực Balkan và biển Đen là “quan trọng về mặt chiến lược”.

Khái niệm Chiến lược mới của NATO cũng nhấn mạnh rằng liên minh này không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của từng thành viên.

Tuy nhiên, theo phóng viên Sabina Fati của trang DW, ngoài bức tranh tổng thể mà Khái niệm chiến lược mới mô tả, có một số mối đe dọa nội bộ đến từ chính NATO.

Theo bà, một số quốc gia thành viên NATO có vấn đề nghiêm trọng về sự thống nhất trong khối. Sự bất ổn chính trị ở một số quốc gia cũng đang gây tổn hại đến sự nhất quán của liên minh và các nước Balkan vẫn đang chao đảo dưới sức nặng của những thù địch lịch sử.

NATO có thể bảo vệ Romania và Ba Lan trước Nga, nhưng không thể bảo vệ họ trước những gì họ đang tự gây ra. Ở hai quốc gia thành viên NATO này, cơ quan tư pháp rõ ràng phụ thuộc vào chính trị.

Chủ nghĩa dân túy thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở phía đông NATO. Hungary đang có vẻ gần gũi với Nga hơn là với NATO. Thổ Nhĩ Kỳ thì đang theo đuổi chiến lược gia tăng ảnh hưởng của riêng mình ở cả Trung Đông và Balkan. Trong khi đó, Bulgaria đang không ổn định, mất thăng bằng mỗi khi tách khỏi Moscow.

Tương tự, hướng về phía tây không phải là lối đi duy nhất của Slovakia và Cộng hòa Czech. Croatia thì có một ghế quyền lực ủng hộ Nga là tổng thống, và một ghế ủng hộ phương Tây là thủ tướng. Tất cả rạn nứt trong khu vực này đều có lợi cho Nga.

Chủ nghĩa dân túy đang quay trở lại mạnh mẽ ở khắp châu Âu, nhất là ở phía đông. Phóng viên Fati đặt câu hỏi liệu Khái niệm chiến lược 2022 được NATO công bố tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 6 có thể dựa vào các quốc gia ở phần châu lục phía đông này hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm