Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa có Công điện gửi các cơ quan ban ngành liên quan về việc tập trung tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm
Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó ngành nông nghiệp cần chủ động phối hợp với Sở Y tế trong giám sát phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người và đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp cho người chăn nuôi sớm ổn định, phát triển sản xuất.
Hàng tấn mèo đông lạnh không rõ nguồn gốc lực lượng chức năng phát hiện tại ấp Long Thành, xã Hòa Long, huyện Lai Vung vào 16-2. Ảnh: CACC |
Song song đó, thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn, đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh gia súc, gia cầm để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ tịch tỉnh giao thành viên Ban Chỉ đạo 389 xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có hành vi tiếp tay, bao che cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Đồng thời, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu đối với hành vi vi phạm.
Đồng thời ngành chức năng thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người; chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT điều tra ổ dịch, lấy mẫu giám sát, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm.
Tăng cường chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm để kịp thời cứu chữa; chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan khi phát hiện có người nghi mắc bệnh.
Tổ chức trực phòng chống dịch 24/24 để kịp thời tiếp nhận thông tin chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ. Phối hợp cơ quan thú y tổ chức tiêu độc khử trùng ổ dịch cũ và khu dân cư nội thị…