Dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng

Theo các chuyên gia, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là nguyên nhân khiến phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng trầm lắng thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài khi dịch được kiểm soát thì đây vẫn là phân khúc phục hồi trở lại nhanh nhất, tiềm năng cho những nhà đầu tư dài hạn.

Dự án hàng chục ngàn tỉ đồng

Dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn nhưng với chiến lược dài hạn, các chủ đầu tư vẫn đổ vốn vào dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương. Một ông lớn trong lĩnh vực này là Tập đoàn Sun Group đã chọn Thanh Hóa là nơi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô của mình. Dự kiến sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý thì tháng 12-2021, dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của tập đoàn này sẽ được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành, đi vào sử dụng vào tháng 12-2023. Mục tiêu xây dựng quần thể Khu du lịch Bến En thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.

Trước đó, tập đoàn này cũng đã tiến hành xây dựng dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD. Cũng tại Thanh Hóa, một tập đoàn khác là T&T Group trong tháng 6 đã khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân quy mô gần 85 ha.

Tương tự, Sunshine Group cũng đưa ra kế hoạch trong năm 2021 triển khai ba siêu dự án 5 tỉ USD trải dài khắp Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, đây là những sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng sáu sao tại Hà Nội - Phan Thiết và TP.HCM, quy mô mỗi dự án lên tới 300 ha.

Một đại gia BĐS nữa cũng thông tin sẽ khởi động hai dự án khủng là khu đô thị phức hợp tại Quảng Ninh và khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp tại Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án khoảng 15 tỉ USD.

Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TẤN LỘC 

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ có các chiều hướng chuyển động gắn chặt với tình hình dịch bệnh COVID-19. Thị trường này chuyển động như thế nào đều phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch và chương trình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam. Ở góc nhìn tích cực, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên chắc chắn BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển tốt sau khi dịch được kiểm soát. Nhà đầu tư phải xác định đây là đầu tư dài hạn, cần có sự chuẩn bị tốt về tài chính, còn trước mắt phân khúc này vẫn chưa thể sinh lời sớm.

Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU 

Dự báo lạc quan

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), cho biết BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trải qua giai đoạn khó khăn kể từ năm 2019 đến nay bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến như sản phẩm BĐS du lịch có pháp lý yếu, kinh doanh du lịch bị ngưng trệ vì đại dịch… BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang thực sự đối mặt với khủng hoảng nhưng không phải vì vậy mà ngành này suy sụp. Ngược lại, các dự án đang cho chúng ta thấy sự tỏa sáng bất chấp kinh tế du lịch khó khăn.

Bằng chứng là hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng trong sáu tháng đầu năm 2021 vẫn mở bán, giới thiệu sản phẩm… gây ấn tượng bởi sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư. Tuy lượng giao dịch chưa cao nhưng trong bối cảnh hiện tại vẫn được đánh giá là khá tốt.

Theo ông Đính, các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng hiện nay có sự thay đổi hợp lý về chức năng khai thác, cung cấp dịch vụ, tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của các điểm du lịch. Chất lượng, tiêu chuẩn các dự án này không hề thua kém tiêu chuẩn quốc tế. “Nhiều đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao đang hình thành, được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư trên cả nước. Vì vậy, các dự án này hứa hẹn hiệu quả kinh doanh tốt trong tương lai” - ông Đính chia sẻ.

Dự báo trong sáu tháng cuối năm 2021, ông Đính nhận định kinh tế du lịch ở Việt Nam chắc chắn còn nhiều khó khăn song BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ vẫn thu hút lực đầu tư tốt. Các dự án được đầu tư bởi các thương hiệu lớn, nằm tại những điểm du lịch tốt như Vân Đồn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu và Phú Quốc chắc chắn vẫn có giao dịch tốt.

Gần 10.000 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng chào bán

Theo báo cáo thị trường quý II-2021 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang chào bán trên thị trường đạt gần 10.000 sản phẩm. Một số dự án điển hình có thể kể đến ở Hạ Long, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Đây vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm. Trong đó, một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ tốt (khoảng 30%-40%). Tại các dự án còn lại vẫn có giao dịch nhưng rất thấp.

Dự báo về phân khúc này, báo cáo mới đây của DKRA Vietnam cho rằng nguồn cung trong nửa cuối năm có thể duy trì mức tương đương sáu tháng đầu năm nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm. Dự án tập trung ở những thị trường quen thuộc như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc.

Cụ thể, nguồn cung mới condotel dao động khoảng 1.500-2.000 căn, chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc. Nguồn cung mới biệt thự biển tăng nhẹ so, dao động ở mức 1.000-1.500 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới