Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thiếu 28 bãi thải

(PLO)- Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị chậm tiến độ vì thiếu 28 bãi thải mới.

Ngày 25-4, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (gọi tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan này vừa đề nghị UBND tỉnh chấp thuận bổ sung vị trí bãi thải đổ vật liệu không thích hợp tạm thời cho dự án thành phần 3, thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Nhà thầu đổ đất thải tại một vị trí dự án do chưa được cấp phép bãi thải mới. Ảnh: VŨ LONG

Đắk Lắk giao đơn vị thi công thỏa thuận bãi thải

Tháng 8-2022, Bộ GTVT cùng UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa ký quy chế phối hợp thực hiện dự án nêu trên.

Quy chế quy định UBND các tỉnh chủ trì xác định vị trí, diện tích bãi đổ chất thải rắn xây dựng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có)…

Nhà thầu hạ nền đường dự án cao tốc. Ảnh: VŨ LONG

Tháng 3-2023, UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận 23 bãi đổ thải trên diện tích hơn 47 ha, dự kiến tiếp nhận hơn 1,8 triệu m3 chất thải. Ba tháng sau, tỉnh này tiếp tục bổ sung thêm 19 bãi thải trên diện tích hơn 55 ha, dự kiến tiếp nhận hơn 1,7 triệu m3 chất thải đổ.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng thống nhất đưa 18 vị trí bãi thải, 17 vị trí trạm trộn, 11 vị trí mỏ đất, 19 vị trí mỏ đá và 9 vị trí mỏ cát phục vụ dự án thành phần 3.

Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư kiến nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận bổ sung thêm 28 vị trí bãi thải tạm thời. Mục đích là để đẩy nhanh tiến độ dự án trong giai đoạn thi công nền đường.

Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho rằng không có cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận các bãi thải tạm thời ở dự án cao tốc.

Video:Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thiếu 28 vị trí bãi thải
Bãi tập kết đất ở vị trí cuối cùng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Sở TN&MT Đắk Lắk viện dẫn nhiều văn bản, trong đó có quy định việc sử dụng đất tạm thời để thi công công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn do đơn vị thi công, người sử dụng đất thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự.

Sở TN&MT đề nghị chủ đầu tư không đề xuất đổ thải vào diện tích đất trồng lúa, đất có rừng; không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan.

Nguy cơ chậm tiến độ dự án

Trưa 25-4, PV Báo Pháp Luật TP.HCM trực tiếp ghi nhận tại một số vị trí trên công trường thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Nhà thầu đổ đất thải ở phạm vi dự án do chưa có bãi thải mới. Ảnh: VŨ LONG

Theo một nhà thầu, họ đang đẩy nhanh tiến độ thi công trong giai đoạn đào, đắp đất để hoàn thiện khối lượng trong tháng 6-2024. Muốn làm nhanh, kịp tiến độ thì phải sớm được tỉnh Đắk Lắk cấp phép, bổ sung thêm bãi thải mới.

“Theo quy định, nhà thầu được thỏa thuận với người dân về vị trí đổ thải mới. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại phần đất này không được quản lý, trông coi dễ dẫn đến thất thoát. Chúng tôi mong cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc, sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”– đại diện một nhà thầu nói.

Theo một cán bộ BQLDA tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư cùng nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành thi công nền đường trước mùa mưa năm nay.

Tuy nhiên, do bãi thải tập kết mới được phê duyệt nên có nguy cơ chậm tiến độ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng. Dự án có ba thành phần, trong đó dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỉ đồng, được UBND tỉnh Đắk Lắk giao BQLDA tỉnh này làm chủ đầu tư. Đoạn trên địa bàn Đắk Lắk dài hơn 48 km, đi qua các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin.

Chủ đầu tư đặt phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025 và đưa vào sử dụng trong năm 2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới