Dự án điện gió phớt lờ yêu cầu của địa phương, vận hành thử nghiệm

(PLO)- Hàng chục hộ dân trong phạm vi hành lang dự án điện gió chưa được đền bù xong nhưng chủ đầu tư đã vận hành chạy thử, phớt lờ yêu cầu của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-6, ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh (tỉnh Gia Lai), cho biết huyện đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh, Sở Công thương Gia Lai liên quan đến việc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (Công ty Cao Nguyên 1) vận hành chạy thử nghiệm 14/28 trụ điện gió khi chưa thực hiện xong đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Dự án điện gió vận hành nhưng chưa đền bù xong cho dân. Ảnh: LK

Dự án điện gió vận hành nhưng chưa đền bù xong cho dân. Ảnh: LK

Theo ông Tứ, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện đề nghị công ty tạm ngừng các hoạt động vận hành chạy thử nghiệm cho đến khi giải quyết xong bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, công ty vẫn không tạm dừng mà tiếp tục vận hành.

Hiện dưới hành lang dự án điện gió này còn khoảng 46 hộ dân xã Ia Le vẫn chưa được hỗ trợ, bồi thường.

“Mặc dù huyện đã có văn bản đề nghị dừng vận hành thử nghiệm nhưng công ty vẫn phớt lờ. Sợ sự việc này dễ khiến tình hình ở địa phương thêm phức tạp, gây mất an ninh trật tự do công ty chưa đền bù xong”, ông Tứ nói.

Nhiều người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Nhiều người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Qua kiểm tra thực tế sáng 31-5, Công ty Cao Nguyên 1 đã tiến hành cho chạy thử nghiệm 14 trụ điện gió bắt đầu từ 17 giờ ngày 30-5 cho đến khi UBND xã Ia Le vào làm việc lúc 9 giờ 30 phút là dừng. Sau đó, công ty vẫn sẽ tiếp tục cho chạy thử nghiệm.

Chiều 31-5, tại trụ sở Ban Tiếp Công dân huyện Chư Pứh, bốn hộ dân thôn Phú Bình, xã Ia Le kiến nghị, yêu cầu Công ty Cao Nguyên 1 phải giải quyết xong vấn đề bồi thường, hỗ trợ mới được vận hành các trụ gió còn lại.

Liên quan đến dự án điện gió của Công ty Cao Nguyên 1, khoảng hai năm nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Ia Le (huyện Chư Pứh) vẫn chịu cảnh sống khổ ngay trong phạm vi hành lang dự án, do chưa bồi thường xong.

Từ cuối năm 2021, 14/28 trụ điện gió của công ty đưa vào vận hành thương mại. Những hộ dân ở gần dưới hành lang dự án thường bị âm thanh từ các trụ điện gió “tra tấn”, nước mưa theo cánh quạt bay vào nhà dân và nguy cơ mất an toàn do ở quá gần.

Công ty Cao Nguyên 1 phớt lờ yêu cầu của địa phương, vận hành thử nghiệm.

Công ty Cao Nguyên 1 phớt lờ yêu cầu của địa phương, vận hành thử nghiệm.

Đây là dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư, công suất 100MW, kinh phí hơn 4.000 tỉ đồng với 28 trụ tua pin gió.

Do công ty chưa đền bù xong nhưng đã vận hành dự án khiến người dân bức xúc. Thậm chí, người dân tụ tập đông người kéo đến các cơ quan công quyền khiếu nại, đòi quyền lợi. Những lá đơn cầu cứu tập thể cũng đã được gửi ra Trung ương.

Theo lãnh đạo UBND xã Ia Le, thực trạng này kéo dài mấy năm nay nhưng chưa được giải quyết khiến dân khiếu kiện kéo dài. Xã nhiều lần tuyên truyền để tránh việc người dân bức xúc, dẫn đến gây ra điểm nóng.

Theo ý kiến của người dân, tại khoản 2 điều 2 của Thông tư số 02/2019 của Bộ Công thương: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 mét”. Do vậy, phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió phải là 300 mét và người dân phải được bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi này.

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ từ cơ quan chức năng nên dân vẫn ôm đơn đi kiện, còn doanh nghiệp thờ ơ.

Công ty xây nhà cách âm để giảm tiếng ồn khi vận hành.

Công ty xây nhà cách âm để giảm tiếng ồn khi vận hành.

Bà Phạm Thị Hòa (ngụ thôn Phú Bình, xã Ia Le), cho biết: Nhà bà cách trụ điện gió chỉ 80 mét và có ba ha hoa màu, chuồng trại nuôi dê bị ảnh hưởng. Gia đình có năm người sống dưới phạm vi cánh quạt, nguy cơ mất an toàn tính mạng và tải sản.

Chung tình cảnh, hộ bà Phan Thị Minh Phượng, thôn Phú Bình có 1,7 ha đất nằm trong vùng hành lang tháp gió, vị trí cách cánh quạt gần nhất khoảng 100 mét.

Từ khi cánh quạt đi vào hoạt động, âm thanh quá lớn khiến gia đình sinh bệnh, ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề. Lúc mưa, nước theo cánh quạt bay thẳng vào nhà.

Để tránh tình trạng khiếu kiện gây mất an ninh trật tự và tranh chấp giữa người dân với doanh nghiệp, tháng 4-2023, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân.

Qua đó, đề nghị các hộ dân hạn chế việc đi lại lên tỉnh, nhằm đảm an toàn, không ảnh hưởng đến công việc và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hộ dân bức xúc, đã gửi đơn cầu cứu Trung ương.

Nhiều hộ dân bức xúc, đã gửi đơn cầu cứu Trung ương.

UBND tỉnh cũng đã có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương tháo gỡ các vướng mắc của người dân về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản, cây cối, hoa màu nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió. Yêu cầu các ngành liên hệ Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, cũng như tham khảo các địa phương khác để có giải pháp tháo gỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm