Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo giải thích về việc xuất hiện nội dung điều chỉnh đối với các loại rượu bia từ trên 0 độ trở lên. Theo ông Lợi, việc quảng cáo rượu, bia thì quảng cáo phải như thế nào cho công bằng để người ta phải thấy được rằng rượu bia vẫn còn tồn tại và uống bia vẫn còn có lợi ở một điểm vừa phải.
Tư duy làm luật không đúng
Các đại biểu nêu quan điểm về dự luật phòng chống tác hại rượu bia
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định về việc hạn chế tài trợ khi không được nhắc tên các cơ quan sản xuất rượu, bia là nhà tài trợ thì các đơn vị này sẽ không tài trợ.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: “Chưa từng thấy một đạo luật nào mà khi đưa vào đây tôi cảm thấy rằng dường như rượu bia là một phát minh sai lầm của lịch sử hàng ngàn năm qua”. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng đây là một tư duy làm luật không đúng.
Cho rằng, cách thức tiếp cận và tư duy xây dựng luật là có vấn đề khi nhìn nhận rượu bia như một “tội đồ”, ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra, không có bất kỳ một nghiên cứu nào khẳng định rằng rượu bia làm gia tăng bất bình đẳng về giới, mất công bằng xã hội. “Ngày hôm qua thẩm định sơ bộ về Luật bình đẳng giới trong báo cáo Chính phủ không hề có câu này. Các đồng chí liên hệ như thế nào, cũng là thuộc Chính phủ, một dự án luật và một báo cáo bình đẳng giới mà giữa hai báo cáo này mâu thuẫn nhau”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, dự thảo luật còn sai về đối tượng điều chỉnh. Cụ thể, dự thảo luật điều chỉnh đối với các loại rượu, bia trong khi rượu, bia là vật vô tri vô giác.
“Trong khi hành vi của người sử dụng là hành vi quan trọng nhất, cho nên thay vì xử lý mối quan hệ trực tiếp, trong đó phải kiểm soát đối tượng sử dụng, đối tượng lạm dụng thì luật lại quay mũi giáo đánh vào những chủ thể không có tội”, ông Nhưỡng nói.
Đồng thời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra nhận xét: “Đạo luật này chắc chắn sẽ trực tiếp đánh vào sức khỏe của nền kinh tế xã hội và dạ dày của người dân”. Bởi theo ông Nhưỡng, sự đóng góp của rượu bia với ngành kinh tế đã được chứng minh, công ăn việc làm của hơn 200 ngàn con người trực tiếp và hàng vạn người khác. Như vậy là đánh vào phong tục tập quán văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Không nên phủ nhận sạch trơn sự đóng góp
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đặt vấn đề: Không nên phủ nhận sạch trơn sự đóng góp của nền công nghiệp rượu, bia.
Ông Cương dẫn chứng rằng đóng góp của rượu, bia vào ngân sách không phải nhỏ, có thời điểm sự đóng góp đó là 20% ngân sách. Đồng thời ngành công nghiệp này cũng sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, thêm vào đó là các hoạt động từ thiện của họ.
Đại biểu Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thì nêu thắc mắc câu “từng bước giảm sản lượng và tiêu thụ” trong dự thảo luật. “Từng bước là từng bước như thế nào. 20 năm, 30 năm sau vẫn từng bước à”, ông Hòa hỏi.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhắc lại quy định “tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo”. Tuy nhiên bà Thúy dẫn chứng, tại Điều 7 của Luật quảng cáo có quy định, cấm quảng cáo rượu có nồng độ từ 15 độ trở lên, trong khi đó Khoản 2 điều 4 của dự thảo hành vi bị nghiêm cấm thì ghi rằng quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức.
Cũng đến từ Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ băn khoăn về quy định quảng cáo trong dự thảo. Đại biểu này nêu ví dụ: “Công ty (sản xuất rượu, bia – PV) có thể mua mũ bảo hiểm cho các cháu. Quan trọng hoạt động có nhằm quảng cáo rượu bia hay không để chúng ta kiểm soát, còn bản chất tài trợ là rất tốt, nhưng vấn đề không được lợi dụng để tài trợ”.
Trả lời ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, ý kiến của các đại biểu về việc không sử dụng từ “Lạm dụng” tác hại của rượu, bia bởi trong y văn của thế giới không xác định được một cách cụ thể và tất cả các đối tượng không có ngưỡng nào là an toàn cho vấn đề sử dụng.
Việc dùng từ từng bước giảm sản lượng và tiêu thụ bởi theo ông Long vì thực ra không thể cấm được, chỉ kỳ vọng tăng trưởng nhưng không tăng trưởng nhanh như hiện nay…
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đây là dự án Luật khó và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định cụ thể của dự luật, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời hoàn thiện các vấn đề về thủ tục hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đúng yêu cầu và tiến độ trình sang các cơ quan của quốc hội thẩm tra chính thức. Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia về dự thảo Luật.