Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả về dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM chỉ ra nhiều sai phạm của dự án này.
UBND TP.HCM điều chỉnh dự án sai thẩm quyền
Theo Kiểm toán Nhà nước, UBND TP.HCM điều chỉnh dự án chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.
Cụ thể, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) là 47.325 tỉ đồng, với mức vốn trên đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia (lớn hơn 35.000 tỉ đồng) theo quy định tại Nghị quyết 49/2010, dự án phải trình Quốc hội xem xét. Và theo quy định, thẩm quyền quyết định các dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn (thư của JICA chỉ xác nhận việc sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay).
Ngoài ra, quyết định phê duyệt TMĐT điều chỉnh không đúng giá trị lập. Cụ thể, giá trị TMĐT được lập với hai loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6%/năm, tiền yen là 2,4%/năm).
“Giá trị phê duyệt 236.626 triệu yen chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10-2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yen thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yen và giá trị TMĐT điều chỉnh chi là 206.126 triệu yen (giảm 30.500 triệu yen)…” - báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Bởi lẽ theo quy định của Nghị quyết 49/2010, với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thi công đường hầm tại khu vực trước Nhà hát lớn TP.HCM trong dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HTD
Ông Hoàng Như Cương bị nhắc tên
Ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, người mới đây được phát hiện đi nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận, cũng được Kiểm toán Nhà nước nhắc tên.
Theo Kiểm toán Nhà nước, ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị, phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền. Bởi ông chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh TMĐT và quy mô của dự án trọng điểm quốc gia.
Vì dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên Sở KH&ĐT TP.HCM thực hiện thẩm định dự án để phê duyệt là không đúng thẩm quyền. Nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, như không đánh giá TMĐT, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong TMĐT...
Kiểm toán Nhà nước khẳng định theo quy định đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê, Bộ GTVT có đề nghị nhưng UBND TP.HCM vẫn chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra TMĐT của tư vấn CPG&SMRT (do JICA thuê) là không phù hợp quy định.
Trong tờ trình này, Sở KH&ĐT TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân. Theo đó, ông Quân đã giao và cho phép Sở KH&ĐT TP.HCM thẩm định việc tăng TMĐT đối với dự án này.
Không xác định khối lượng công việc
Chưa hết, TMĐT được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, hạng mục công trình còn thiếu, không đủ cơ sở cho việc lập TMĐT. Cụ thể, phần xử lý nền đất yếu, phần công việc làm đường tạm, hệ thống chống tạm, vách thi công; phần quan trắc và bảo vệ các công trình tiện ích. Đặc biệt, phần công việc khác được tư vấn xác định chỉ trong TMĐT mà không xác định được khối lượng công việc.
Dự án áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường sắt đô thị châu Á - STRASYA vào thiết kế nhưng quá trình áp dụng không tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của tiêu chuẩn như ray UIC 54 thay cho ray 50 kgN; tải trọng 16 tấn/trục thay cho 14 tấn/trục…
Việc điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỉ đồng, không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc trong hoạt động xây dựng và các trường hợp được điều chỉnh.
Trong quá trình đề đơn xin điều chỉnh kiểu dáng dầm, Ban Quản lý đường sắt đô thị trình UBND TP với nội dụng không đầy đủ, không hợp lý về kỹ thuật…
Về TMĐT, Kiểm toán Nhà nước khẳng định do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán. Cụ thể, ngoại trừ khối lượng bê tông, thiết bị…, các khối lượng còn lại không đủ các bản vẽ cần thiết để xác định khối lượng. Bên cạnh đó, các thiết bị vật tư nhập từ Nhật Bản chưa đảm bảo căn cứ pháp lý.
Ngoài ra, việc áp dụng định mức của Nhật Bản chưa có trong hệ thống định mức hiện hành. Việc áp dụng hệ số chi khác của Nhật Bản không có trong quy định tại Việt Nam hoặc có trong quy định Việt Nam nhưng cao hơn gấp nhiều lần… nên việc phê duyệt điều chỉnh dự án với TMĐT là 236.626 triệu yen là sai giá trị TMĐT.
Vì sao tăng vốn? Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn, trong đó có nguyên nhân khách quan là do giá nguyên vật liệu tăng và lương tối thiểu tăng từ năm 2006 đến 2009 làm tăng TMĐT lên 40%. Tiếp theo đó là do tăng lưu lượng khách và khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở, làm tăng TMĐT lên 43%. Tuy nhiên, dự báo lưu lượng khách là thiếu độ tin cậy và chính xác. Ngoài ra, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn hai lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, 3a là không có cơ sở và thiếu chính xác. Nguyên nhân nữa là thay đổi các điều kiện tính toán TMĐT, trong đó tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp. |