“Khi tôi về Đồng Nai với tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) năm 2002, dự án sân bay Long Thành đã có trước đó năm năm. Kể từ đó cho đến nay đã 12 năm trôi qua, sân bay Long Thành gần như là một dự án treo” - trong buổi thảo luận ngày 13-11 tại QH về dự án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành (gọi tắt là dự án), ĐB Dương Trung Quốc đã phát biểu như trên “từ góc độ của một người đã gắn bó với Đồng Nai 15 năm”.
Dự án có “đầu chuột, đuôi voi”?
Theo ông Quốc, chúng ta triển khai dự án trong bối cảnh tâm thế xã hội khi nghe về dự án lớn thì câu hỏi đầu tiên luôn được đặt ra là “Có tiêu cực không? Có khả năng xảy ra tiêu cực không?”. Do vậy, cần phải giám sát chặt chẽ quá trình triển khai giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng sân bay Long Thành.
Tán thành sự thận trọng của QH, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh chỉ có giám sát chặt chẽ mới đem lại niềm tin cho người dân với dự án này. “Vì chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn không phải “đầu voi, đuôi chuột” mà là “đầu chuột, đuôi voi”. Tức ban đầu đưa ra thì rất đơn giản, rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng dự án phình ra, đội vốn ghê gớm khiến nợ công tăng cao, người dân bức xúc”.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ nỗi băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án. Theo đó, lúc đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo chỉ hơn 13.000 tỉ đồng, sau đó lên 18.000 tỉ đồng và hiện nay là hơn 23.000 tỉ đồng. “Đây chỉ là con số ước tính tại thời điểm tháng 7-2017 trong khi đây là dự án lớn, cần nhiều thời gian triển khai. Vậy đến khi triển khai thực tế thì có tăng nữa hay không?” - ĐB Tiến thắc mắc.
ĐB Dương Trung Quốc: Chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn không phải “đầu voi, đuôi chuột” mà là “đầu chuột, đuôi voi” (ảnh trái). ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta đã phải bồi thường tái định cư cho cả những hộ “nhảy dù” (tái lấn chiếm). Vấn đề này rất đáng lo ngại.
ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH, đồng ý với tính cấp thiết của dự án cũng như mức đầu tư 23.000 tỉ đồng và thời gian hoàn thành dự án là năm 2020 như báo cáo Chính phủ trình. Tuy vậy, ĐB Hàm đề nghị cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trục lợi. “Đặc biệt phải lưu ý việc hỗ trợ đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, vì theo báo cáo Đồng Nai không có quỹ đất nông nghiệp để bồi thường. Chính phủ phải có chính sách cụ thể về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, gắn với đầu ra để đảm bảo chắc chắn sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi” - ĐB Hàm nói.
5.600 ha là tổng diện tích đất dự kiến thu hồi ở khu vực Long Thành. Trong đó, diện tích đất xây dựng sân bay 5.000 ha, xây dựng các khu tái định cư khoảng 565 ha (thuộc hai xã Bình Sơn và Lộc An), xây dựng khu nghĩa trang khoảng 20 ha (xã Bình An). |
Sợ dân không có tiền xây nhà
ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) thông tin dự án sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và tinh thần của 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức trong vùng dự án. ĐB Hồng đề nghị Chính phủ lấy mức suất tái định cư là 160 triệu đồng, tương đương 80 m2 đất ở làm cơ sở, trong khi dự kiến quy hoạch diện tích tái định cư gồm hai loại nhà liền kề là 125-150 m2 và 250-300 m2. “Liệu đại đa số những hộ được bồi thường có đủ tiền để mua suất tái định cư theo quy hoạch hay không. Nếu không thì phương án giải quyết thế nào?” - ĐB Hồng bày tỏ.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, lại cho rằng công tác chống tình trạng tái lấn chiếm đất đã được bồi thường, thu hồi cũng rất quan trọng.
“Nhiều ĐB cũng phát biểu trước QH hôm nay là chúng ta đã phải bồi thường tái định cư cho cả những hộ “nhảy dù” (tái lấn chiếm). Vấn đề này rất đáng lo ngại, rất khó giải quyết. Tôi chắc chắn tòa án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện, bởi số lượng các vụ kiện sẽ rất nhiều, phải giải quyết nhiều lần. Tôi đề nghị phải bổ sung quy định xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đề nghị lập quy hoạch TP Long Thành ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách TP.HCM chỉ 40 km, cách TP Biên Hòa 30 km, cách Vũng Tàu 70 km... nên chắc chắn sẽ phát triển thành khu đô thị sân bay. “Do đó, Chính phủ nên sớm xúc tiến quy hoạch ngay một TP Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỉ đồng mà còn giúp hình thành trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ” - ông Cường đề nghị. Mong Quốc hội thông qua Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: Thực hiện dự án này, chúng tôi cũng có niềm tin vì Đồng Nai là một trung tâm công nghiệp rất lớn, có những dự án lớn của quốc gia như đường cao tốc nên kinh nghiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai rất tốt. "Rất mong QH coi dự án này là cấp bách. Khi bấm biểu quyết thông qua dự án, rất mong ĐBQH ủng hộ" - ông Thể nói. Phó Chủ tịch QH, ông Phùng Quốc Hiển, cũng cho hay nhìn chung đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sớm triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo tiến độ dự án sân bay Long Thành theo nghị quyết QH. Các ĐB cũng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như cố gắng của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này. |