Dự đoán đa chiều cho thị trường bất động sản quý III

Không thể phủ nhận hiện trạng của thị trường bất động sản (BĐS) trong những tháng đầu năm đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhà đầu tư nhóm sản phẩm như mặt bằng bán lẻ, mặt bằng thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, shophouse… đang chịu thất thu hoặc chôn vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ có chuyển biến trong thời gian tới.

Nguồn thu từ nhà, đất liên tục bốc hơi

Anh Trung (Nha Trang) có một căn hộ gần khu phố Tây nên rất đắt khách. Mới đây, vì dịch bệnh nên khách thuê Trung Quốc đã trả nhà sớm mà anh vẫn phải hoàn 100% tiền cọc. Từ đó đến nay, dù đã giảm giá 20% nhưng căn hộ của anh vẫn không tìm được khách mới.

Ở vị trí người thuê nhà, chị Bảo Ngọc, giám đốc một công ty may mặc cũng thiệt hại không kém. Trước đây, chị thuê mặt bằng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) giá 130 triệu đồng/tháng, đặt cọc 700 triệu đồng. “Từ sau tết, cửa hàng ế ẩm, tôi buộc phải đóng cửa mà nói mãi chủ nhà mới đồng ý trả lại 50% tiền cọc, coi như lỗ nặng” - chị Ngọc buồn bã nói.

Ở góc độ của nhà đầu tư, chị Hoàng Hải (quận 2) cũng đang ôm nỗi khổ riêng. Vợ chồng chị đầu tư hai căn hộ thương mại (shophouse). Khi dịch bệnh ập tới, hai căn shophouse của chị để trống rất lâu vẫn không có người thuê.

“Tiền vay ngân hàng để đầu tư mỗi tháng chúng tôi phải trả 50 triệu đồng. Nếu vài tháng tới mà không có thu chắc chắn sẽ phải bán bớt một căn, mà lúc này muốn bán cũng không dễ” - chị Hải lo lắng nói.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất là cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng, căn hộ, khách sạn. Quý I-2020 công suất khai thác phòng các khách sạn nhìn chung giảm 40%-60% so với quý trước.

Nhà tư vấn BĐS CBRE cũng ghi nhận số lượng khách đến các trung tâm thương mại giảm khoảng 70%-80% trong tháng 2 và 3. Chủ cửa hàng trả mặt bằng, chủ cho thuê phải giảm 20%-40% giá, khối văn phòng cũng ế ẩm vì các công ty chủ động làm việc từ xa.

Hàng loạt mặt bằng ở đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) dán thông báo cho thuê hoặc bán vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kỳ vọng sức bật trong quý III

Theo khảo sát của đơn vị tư vấn phát triển BĐS DKRA, trong quý I-2020, toàn thị trường chỉ có bảy dự án được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ. Đây cũng là quý ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng: “Trước tác động của dịch COVID-19, sức cầu chung của thị trường sẽ tiếp tục suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư".

Nhận định về xu hướng thị trường khi đại dịch qua đi, ông Lâm cho rằng quý II và có thể đến cả quý III thị trường ở TP.HCM vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung lẫn sức cầu.

Khác với nhận định trên, TS Cấn Văn Lực lại cho rằng: “Đúng là hiện nay cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó. Tuy nhiên, với các chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ mà Chính phủ đang áp dụng như giãn nợ, cơ cấu nợ, miễn giảm thuế đất, giảm tiền điện, đẩy nhanh đầu tư công… sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng”.

Nếu Việt Nam phấn đấu đạt được mục tiêu kép phòng, chống dịch COVID-19 thành công và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ở mức khả quan tối đa, như tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, kiểm soát lạm phát CPI dưới 4% thì sẽ là thành công lớn.

Để làm được điều này, TS Lực và các chuyên gia đề xuất một số giải pháp trong ngắn hạn. Đơn cử như tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo; nhất là gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỉ đồng); gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng (300.000 tỉ đồng thuộc diện cho vay mới và cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi/phí đối với dư nợ cũ...); gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỉ đồng cho hơn 20 triệu người lao động, người yếu thế...).

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.

“Các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ trong thời điểm này chỉ là tạm thời. Nó giống như chiếc lò xo bị nén, đến khi bung ra thì sức bật của nó sẽ rất mạnh. Do đó, với nỗ lực của cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp kết hợp với những giải pháp trong ngắn hạn kể trên và các biện pháp dài hạn như đa dạng hóa thị trường và đối tác; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh…, tôi cho rằng bước sang quý III trở đi, hoạt động kinh doanh của tất cả ngành kinh tế sẽ trở lại bình thường. Từ quý IV, nhiều ngành kinh tế sẽ ghi nhận sức bật mạnh mẽ. Các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, tiêu dùng… sẽ phát triển mạnh hơn quý I, II rất nhiều” - TS Lực khẳng định.

Quý II-2020: đất nền khan hiếm

Theo dự đoán của ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, quý II-2020 đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý I, dao động khoảng 2.000-2.500 căn. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở khu đông và khu nam thành phố. Sức cầu chung trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc nên có thể sẽ duy trì xu hướng giảm ở quý I.

Đối với nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới có thể sẽ giảm trong quý II, dao động ở mức 400-500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn. Sức cầu duy trì xu hướng giảm từ cuối quý I và khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới