Khám phá những điều độc lạ, những chốn huyền bí, hiểm nguy, những vùng đất không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới… luôn là niềm đam mê bất tận của nhiều người đam mê du ngoạn. Với tôi, thật không gì thú vị cho bằng khi khám phá vùng đất có lượng mưa nhiều nhất thế giới tại Ấn Độ, rồi một ngày nọ lại đặt chân đến nơi hạn hán nhất Trái đất, một sa mạc ở Chile.
"Sao Hỏa" hàng triệu năm hiếm mưa ở Chile
Sahara và Gobi là những sa mạc nổi tiếng thế giới, ai trong chúng ta cũng biết tên. Nhưng danh hiệu Nơi khô cằn nhất Địa cầu trong sách kỷ lục Guinness lại không thuộc về hai sa mạc này, mà là một sa mạc nhỏ với diện tích 105.000 km2 ở phía Bắc Chile. Theo tính toán của cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), lượng mưa hằng năm ở sa mạc Atacama chỉ khoảng 15,25 mm, thậm chí có nơi chỉ khoảng 1 mm/năm. Không chỉ là nơi khô cằn nhất trên Trái đất, Atacama còn mang trong mình những bí ẩn thách thức nhân loại, từ những xác ướp kỳ lạ cho đến những di chỉ về một nền văn minh cổ bị chôn vùi.
Từ thủ đô Santiago của Chile đến sa mạc Atacama hơn 1.000 km, phương tiện thuận tiện và rẻ nhất là… máy bay. Là một đất nước hình quả ớt vừa dài vừa hẹp với chiều dài hơn 4.300 km nhưng chiều rộng chỉ 175 km, Chile có rất nhiều sân bay địa phương với giá vé rẻ hơn cả xe buýt. Từ trên không trung nhìn xuống, sa mạc Atacama là những lớp đất đá màu đỏ nâu cằn cỗi. Nghe nói có những nơi trong sa mạc chưa từng ghi nhận một cơn mưa nào trong lịch sử hình thành hàng triệu năm.
Tôi đến San Pedro de Atacama, vùng lõi sa mạc vào mùa đông nhưng không khí nóng hầm hập dù ngay sát cạnh bên là Bolivia rét căm căm. Do sự nổi tiếng của sa mạc, thị trấn nhỏ này rất đông du khách. Mọi người tập hợp quanh những con phố trong thị trấn với những ngôi nhà nằm ẩn mình sau những bức tường rào bằng đất sét ngộ nghĩnh. Riêng tôi chọn chỗ ở cách xa thị trấn 5 km, lẻ loi, trống vắng giữa sa mạc không một bóng người. Quãng đường vài kilômet đi bộ khám phá vốn là chuyện vô cùng nhỏ với tôi giờ trở thành điều bất khả thi bởi cái nóng bức, oi ả ở đây.
Thị trấn San Pedro de Atacama tại sa mạc khô hạn nhất thế giới
Trổ hết khả năng giao tiếp giữa một bên là bác tài không biết tiếng Anh, còn một bên chỉ biết đúng bốn từ của tiếng Tây Ban Nha, cuối cùng tôi cũng thuê được một chiếc taxi giá rẻ để đi ra, đi vào và đến những nơi độc đáo của sa mạc thay vì phải mua tour như cách phổ biến dành cho du khách. Nơi điển hình nhất của Atacama là thung lũng Mặt trăng, đồng thời được mệnh danh là “sao Hỏa” vì có cấu tạo địa chất tương đồng với cả hai tinh cầu này. Đây cũng là điểm đến quan trọng nhất của mọi du khách khi đặt chân đến đây. Trong khi các tour đều tổ chức khám phá thung lũng Mặt trăng vào buổi chiều thì tôi nhờ bác tài xế taxi chở đến đây vào sáng sớm để thỏa sức khám phá “sao Hỏa”.
Thung lũng Mặt trăng có cảnh quan vô cùng ngoạn mục và hoàn toàn khác biệt với mọi nơi tôi đã nhìn thấy. Địa hình thung lũng vừa có sa mạc trải dài, vừa có hang động, núi, đụn cát và những cột đá hình thù kỳ lạ. Những khu vực đặc biệt được chính phủ rào lại, không cho du khách xâm nhập để tránh tổn hại đến tự nhiên. Thung lũng Mặt trăng được các nhà nghiên cứu cho rằng tương quan với sao Hỏa về cấu tạo địa chất và tự nhiên. NASA cũng từng đến đây thử nghiệm các thiết bị dùng cho những sứ mệnh tiếp theo trên sao Hỏa.
Với một người không am hiểu lắm về địa chất, lại chưa từng đi sao Hỏa hay Mặt trăng như tôi, thật khó để so sánh Atacama với hai hành tinh này. Tuy nhiên, rất dễ dàng cảm nhận cấu tạo đặc biệt của lớp đất đá và cảnh quan lạ lùng ở thung lũng Mặt trăng. Những viên đá tại đây rất xốp, nhẹ, giòn và phủ một lớp màu trắng như muối hoặc cũng có thể chúng được làm từ muối. Khi lên xe, dù bác tài xế đã khẳng định đó là muối nhưng vì tò mò tôi vẫn nếm thử và quả thật chúng có vị mặn chát của muối. Đáng ngạc nhiên, có lẽ do triệu năm trước nơi đây là biển hay yếu tố huyền bí nào đó mà giữa sa mạc này lại có những hồ nước mặn màu xanh rất đẹp và đó là nơi cư ngụ của loài chim hồng hạc quý giá.
Sa mạc Atacama của Chile là nơi bầu trời luôn trong xanh tới hơn 300 đêm trong năm, độ ẩm cực thấp và hầu như không bao giờ bị bão. Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) bầu chọn Atacama là nơi lý tưởng nhất trên thế giới để quan sát thiên văn. Đây cũng là nơi có nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới với năm trạm do các tổ chức của Mỹ, EU, Nhật Bản và Brazil vận hành.
Thật bất ngờ, anh chủ nhà của tôi cũng có những chiếc kính thiên văn rất chuyên nghiệp và tổ chức tour ngắm các vì sao cho du khách. Đổi lại cho việc phải ở xa trung tâm, tôi không phải di chuyển để ngắm vũ trụ vì căn nhà tôi ở chính là nơi quan sát dải ngân hà. Một buổi ngắm trăng sao có chi phí khoảng 50 USD, được tổ chức rất bài bản.
Khoảng 8 giờ tối, một đoàn du khách được đưa đến. Mọi người được yêu cầu tắt hết đèn, kể cả màn hình điện thoại, tập trung tại sân để nghe nhà thiên văn học thuyết trình về dải ngân hà và các vì sao có thể quan sát được từ đây. Thông thường, sau 9 giờ tối là thời điểm chiêm ngưỡng vũ trụ đẹp nhất. Nhưng rủi thay, hôm ấy trời mây mù mãi không tan, mọi người đành phải ra về. Những ngày tiếp theo, bầu trời vẫn không đủ trong để có thể quan sát dải thiên hà nên tôi đành lỡ dịp ngắm những vì sao kỳ thú trong vũ trụ.
Sắp tới đây, chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới đặt tại nơi này sẽ được đưa vào hoạt động. Biết đâu khi ấy tôi lại có dịp đến sa mạc Atacama và chiêm ngưỡng những thế giới mới mẻ đang hiện hữu xung quanh mình với cự ly gần hơn nữa.
Sa mạc Atacama được các nhà khoa học cho hay tương đồng với sao Hỏa về địa chất, điều kiện tự nhiên.
Độc đáo nhất ở Sohra là những chiếc cầu “rễ cây đang sống” huyền thoại.
Ngôi làng ẩm ướt quanh năm
Trái ngược với sa mạc Atacama khô hạn, Cherapunzee hay còn gọi là Sohra, một thị trấn nhỏ thuộc bang Meghalaya ở miền Đông Bắc của Ấn Độ là nơi gần như có mưa quanh năm. Các nhà khoa học thống kê mỗi năm nơi này nhận lượng mưa trung bình hơn 12.000 mm, nhiều nhất thế giới và xấp xỉ 10.000 lần lượng mưa rót xuống sa mạc Atacama. Từ tháng 3 trở đi nơi đây đã đón những cơn mưa đến tận đầu năm sau. Đỉnh điểm vào tháng 6-7 là thời điểm Sohra gần như mưa không ngừng nghỉ.
Không ngại ngần suy nghĩ, tôi chọn thời điểm mưa nhiều nhất để đến Sohra. Cầu được ước thấy, những ngày ở đây, không ngày nào tôi nhìn thấy ánh mặt trời. Một ngày chỉ có hai trạng thái: bầu trời xám xịt một lúc ngắn ngủi rồi mưa dầm dề cả ngày lẫn đêm như thể gom hết lượng nước của cả Trái đất mang tới trút xuống đây vậy.
Bộ tộc lớn nhất ở Sohra là người Khasi, có ngôn ngữ riêng, văn hóa hoàn toàn độc lập với Ấn Độ. Người Khasi theo chế độ mẫu hệ. Đàn ông ăn trầu rất phổ biến nên cau là một trong những ngành nông nghiệp chính ở vùng này. Mưa ở Sohra trở thành “đặc sản” quá quen thuộc nên tôi chẳng thấy ai hối hả khi mây đen sầm sập kéo đến rền rĩ đêm ngày. Mọi người cứ thong thả khoác cái knoop (một dạng áo che mưa truyền thống đan bằng tre nứa lá rất độc đáo), từ tốn làm công việc của mình.
Có lẽ do được thiên nhiên ban tặng nguồn nước mưa quá dồi dào nên Sohra và cả bang Meghalaya là những thị trấn ở trong rừng. Rừng cây rậm rạp, rong rêu phủ kín thân cây và thềm nhà chen lẫn với cỏ hoa tươi tốt là những ấn tượng khó quên về xứ sở này. Độc đáo nhất ở Sohra là những chiếc cầu “rễ cây đang sống” huyền thoại của cả vùng Đông Bắc Ấn mà không nơi nào trên thế giới có được.
Một số vùng tại sa mạc Atacama thậm chí chưa từng có giọt mưa nào trong lịch sử xưa nay.
Những cây cầu treo ở Sohra nằm tít tắp sâu trong rừng, qua hàng ngàn bậc thang thẳng đứng qua những rừng cây cổ thụ. Sau nhiều giờ đồng hồ băng rừng xuyên núi, những chiếc cầu treo lừng danh dần lộ diện. Từ xa xưa, người dân ở đây đã sáng tạo ra những chiếc cầu này bằng cách hướng những rễ của các cây cổ thụ hai bên bờ sông đan vào nhau. Theo thời gian chiếc cầu được hình thành, mỗi lúc một dày và vững chắc thêm lên. Từ đó thế giới có những chiếc cầu độc nhất vô nhị như thế này.
Nổi tiếng nhất ở đây là chiếc cầu rễ cây hai tầng hết sức thơ mộng. Khác những chiếc cầu khác, cây cầu này gồm hai tầng, toàn bộ bằng rễ của những đám cây hai bên. Người Khasi xưa kia có lẽ cũng lãng mạn lắm nên nghĩ ra việc kết rễ cây thành chiếc cầu treo hai tầng thật độc đáo để hôm nay những hậu sinh khắp nơi có cơ hội chiêm ngưỡng một tuyệt tác của thiên nhiên và sự tinh tế của con người.
Giữa cảnh núi rừng âm u không một bóng người, chiếc cầu treo được đan bằng rễ của những cây cổ thụ hai bên bờ sông trông vừa hoang dã vừa tinh tế, vừa mong manh vừa vững chãi. Không chỉ dạ cầu mà cả thành cầu cũng đan thành từ rễ cây. Thiên nhiên phải mất hàng trăm năm để hình thành chiếc cầu này. Chiếc cầu là một thể thực vật vẫn đang tiếp tục sinh trưởng nên theo thời gian, đám rễ cây càng kết chặt nhau hơn giúp chiếc cầu treo mỗi lúc một vững chắc hơn trên dòng thác hung hãn cuồn cuộn chảy. Giữa khu rừng rậm không một bóng người, chiếc cầu treo bằng rễ cây ma mị, huyễn hoặc khiến tôi có cảm tưởng như mình đang lạc trôi đến hành tinh nào, hay đang xem một bộ phim khoa học viễn tưởng.
* * *
Sa mạc Atacama và thị trấn Sohra là đại diện đỉnh cao của thời tiết cực đoan, một nơi khô cằn nhất thế giới và một nơi ẩm ướt nhất không đâu bằng. Những nơi ấy, thoạt nghe vô cùng khắc nghiệt nhưng hiểu rồi mới hay ẩn tàng trong đó là những tuyệt tác, những kỳ quan làm đẹp cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Đừng vội định kiến, đừng vội từ bỏ khi mới nghe nói về những điều chưa hay, những khó khăn ban đầu. Một khi tâm hồn rộng mở, mọi thứ xung quanh sẽ tươi đẹp và tự khắc lòng mình trở nên yên bình, tĩnh tại hơn, bất chấp ngoài kia nắng hạn hay bão tố, mưa giông.