Du học sinh về nước: Tránh dịch chứ không phải nghỉ dưỡng

Vừa qua, TP.HCM mới trưng dụng thêm khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM làm khu cách ly tập trung của TP. Dự kiến trong 2 tuần tới, TP.HCM sẽ đón số lượng người về cách ly lên đến 17.000 người. Công tác bố trí cho người về nước ăn, ở tại các điểm cách ly đang được thực hiện khẩn trương. 

Kiểm soát người về nước chặt cũng dễ hiểu

Về nước vào sáng 15-3, đến trưa cùng ngày, Nguyễn Thị Thu Hương (24 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận) được bố trí chỗ ăn ở tại bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi). Đây là khu cách ly tập trung đầu tiên của TP được đưa vào hoạt động để phòng ngừa dịch COVID-19 ở TP.

Hương là một trong số rất nhiều du học sinh Anh về nước trong đợt này. Chỗ Hương đang theo học bên Anh là ĐH Westminster, nằm ngay trung tâm London của nước Anh. Hương chia sẻ khi dịch COVID-19 bắt đầu lan sang ở châu Âu và Anh, người dân mặc dù biết thông tin nhưng không chủ động phòng ngừa, bảo vệ cho bản thân và người xung quanh.

Thu Hương và bữa ăn trưa do khu cách ly ở bệnh viện dã chiến chuẩn bị. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đi dưới tàu điện ngầm có 100 người thì cao lắm 10 người đeo khẩu trang mà chủ yếu là người châu Á, chắc được 1-2 người Tây là đeo, kể cả có người ho họ cũng không đeo” - Hương kể lại. Ngoài ra, ngay tại phòng khám các bệnh viện, bác sĩ cũng không đeo khẩu trang.

Theo Hương, số ca được báo cáo nhiễm bệnh không phải là ca thực nhiễm vì nước Anh không cách ly, theo dõi và tìm người bệnh để phong tỏa như Việt Nam. Trường học không đóng cửa, ở trường Hương theo học, nhà trường cho rằng nếu Hương về nước sẽ phải chịu trách nhiệm cho kết quả học tập của mình. Cho đến khi Hương về nước được 2 ngày thì mới nhận được email của trường cho nghỉ học và học, thi online.

Hương chia sẻ, ban đầu không có ý định sẽ về nước nên cũng ít theo dõi tình hình và chưa tưởng tượng ra, thậm chí có phần lo sợ khi ở trong khu cách ly sẽ như thế nào. Tuy nhiên, Hương cảm thấy biết ơn khi được Chính phủ cho phép trở về và bố trí cách ly, nếu không thì Hương cũng sẽ tự kiếm chỗ ở và tự cách ly trước khi về với gia đình.

Nhân viên ở khu cách ly đi phát sữa chua Yakult và đem cơm cho người được cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Khi đến đây rồi, em cảm thấy còn tốt hơn là đi thuê ở ngoài. Cơ sở vật chất tốt, nhân viên phục vụ rất thân thiện, điều này làm em yên tâm và bớt lo sợ.

Các bữa ăn đều được thay đổi món, ngày nào cũng có chăn ga, quần áo mới. Thậm chí còn được phát sữa Yakult mỗi ngày. Ở đây, người nhà cũng được gửi đồ vào. Các bác sĩ mỗi ngày thăm khám đo nhiệt độ 2 lần, ân cần hỏi han sức khỏe, phát cho mỗi người 2 khẩu trang mới đeo ở trong phòng.

Mặc dù bây giờ em đã được kiểm tra âm tính và cách ly 14 ngày, nhưng khi ra khỏi khu cách ly em cũng chưa về liền đâu mà gia đình đã chuẩn bị chỗ ở riêng khác từ 7-10 ngày. Khu vực em ở nhiều người già, để chắc ăn em tự cách ly thêm bảo vệ cho cộng đồng và mọi người” - Hương bày tỏ.

Với tình trạng số lượng người về nước quá đông trong thời gian này, Hương chia sẻ người nhà sẵn sàng chi trả chi phí khi cách ly để bù đắp lại một phần ngân sách phải chi ra quá nhiều cho công tác chống dịch.

“Vào đây, thấy mấy anh làm việc rất cực khổ, không biết có được Nhà nước bồi dưỡng thêm không, có được trả tiền hợp lý không? Một số lần em gửi tiền bánh, tiền uống trà và một số thức ăn nhà em mới gửi vào cho các anh nhưng các anh đều từ chối không nhận” - Hương kể lại.

Những ngày qua, theo dõi tin tức chống dịch COVID-19, Hương cũng đọc được nhiều câu chuyện về một số người bất hợp tác với lực lượng chức năng và chê bai chỗ cách ly khi về nước.

Hương cùng những người được cách ly, chủ yếu là du học sinh rèn luyện thể thao ở khu vực cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hương chia sẻ bản thân Hương cũng trải qua nhiều cảm giác lo lắng khi bay về nước và chờ đợi, chịu sự kiểm soát ở sân bay. Tuy nhiên, vượt lên trên hết, Hương tự động viên với suy nghĩ có lỡ mắc bệnh thì sẽ được Nhà nước quan tâm, chăm sóc. Hương quan sát riêng vào thời điểm mình trở về, có hàng ngàn người cũng trở về, làm sao lực lượng chức năng có thể giải quyết một lần. Sự kiểm soát chặt chẽ theo Hương cũng là hợp lý.

“Ở Việt Nam đang yên ổn, các ca lây nhiễm bệnh đều về từ nước ngoài nên phải lo sợ và kiểm soát chặt là đúng” - Hương đồng tình. Theo Hương, những người về nước trong dịp này đều có sự suy tính chẳng hạn khi về nước, có mắc bệnh thì cũng sẽ tốt hơn. Ở Anh, khi có dấu hiệu bệnh và gọi báo NHS 111 (đường dây trợ giúp y tế) thì hầu hết được khuyên ở nhà tự cách ly và uống thuốc cảm, không nên đến bệnh viện vì sợ sẽ lây nhiễm cho người xung quanh. 

Hương cũng cảm thấy buồn vì một số cá nhân hành xử không đúng mực đã làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh cộng đồng du học sinh và người Việt Nam ở nước ngoài về.

“Khi về nước tụi em đều xác định là tránh dịch, không phải đi nghỉ dưỡng nên không thể đòi hỏi đồ ăn ngon, chỗ ở như mong muốn. Em ở chỗ có điều kiện tốt nên cảm thấy may mắn. Nhưng nếu ở chỗ khác khổ tí thì em cũng sẽ ráng” - Hương nói.

Mỗi ngày người được cách ly được kiểm tra thân nhiệt, thăm khám sức khỏe 2 lần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách ly ở châu Âu nhiều bất tiện

Đang được cách ly ở huyện Cần Giờ, chàng trai Nguyễn Hoàng Nam Phương (22 tuổi, quận 2, TP.HCM), du học sinh tại một trường đại học ở Thụy Sĩ liên kết với Tây Ban Nha.

Phương cho biết cũng về nước vào sáng ngày 15-3. Tây Ban Nha là nước có dịch bệnh đang lan rộng với số ca mắc chỉ đứng sau Ý. Phương chia sẻ hệ thống y tế châu Âu đang bị quá tải, không có đủ thiết bị y tế, rất khó để được xét nghiệm nên đề nghị người trẻ tuổi tự cách ly để bảo vệ khỏi mắc bệnh. Tuy nhiên, Phương là du học sinh chỉ có một thân một mình, nếu phải tự cách ly thì sinh hoạt gặp rất nhiều bất tiện, không ai giúp đỡ, mua thức ăn cho mỗi ngày.

Nhân viên khử trùng khu vực cách ly ở Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi về nước, máy bay hạ cánh từ 7 giờ sáng nhưng phải chờ đến 19 giờ Phương mới được đưa về khu cách ly tập trung ở quận 12 do người về rất đông. Nơi Phương đến là khu ở của quân đội, điều kiện cơ bản. Nam được bố trí ở phòng 6 người, mỗi giường cách nhau khoảng 1-1,5 m.

Tối ngày 18-3, Phương được đưa về Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để tiếp tục cách ly, điều kiện thoải mái hơn. Phương nhận xét Nhà nước đang sử dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch lây lan, chỉ cần có một ca mắc bệnh thì một khu bị phong tỏa. Nếu để xảy ra bùng dịch như Trung Quốc, tiềm lực của Việt Nam sẽ khó chống đỡ.

Các khu cách ly tập trung cho phép người nhà gửi thức ăn và đặt bên ngoài vào. Trong ảnh: Phòng cách ly của Thu Hương với kho thức ăn nhận từ bên ngoài vào. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Phương chia sẻ sẵn sàng trả phí để được bố trí chỗ ăn ở tốt hơn. Với số tiền này, Nhà nước có thể dùng để nâng cao cơ sở vật chất và tăng cường nhân sự phục vụ cho các khu cách ly.

Hiện tại, trường của Phương theo học đã cho học online. “Khu cách ly hiện có mạng đầy đủ nên em sẽ tiếp tục học và làm bài tập giao về nhà” - Phương cho biết.

Bữa ăn sáng của Nam Phương tại khu cách ly tập trung ở huyện Cần Giờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương suy nghĩ: “Muốn đến hay về nước nào thì phải tuân thủ theo quy định của nước đó. Nhà nước đang chi tiền cho các hoạt động cách ly không phải là nhỏ, mọi thứ đang được phục vụ miễn phí hết nên chất lượng mọi thứ không cao thì em hiểu là có thể họ không hài lòng.

Còn đối với em, nếu không làm được gì góp sức cho đất nước lúc này thì nên tuân thủ các biện pháp, chính sách của Nhà nước. Nhiều nước trên thế giới, bệnh viện đang quá tải vì dịch bệnh COVID-19 và sự thờ ơ trước dịch của một số nước ở châu Âu cũng làm cho tình hình ngày càng trầm trọng. Việt Nam đang kiểm soát không cho người bệnh tăng lên, gây quá tải bệnh viện là điều rất may mắn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm