Qua 24 năm tổ chức, Festival Huế đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa - nghệ thuật có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế. Sự kiện văn hóa này góp phần quảng bá cố đô Huế và là điểm nhấn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy hiệu quả từ lễ hội bốn mùa
Lễ hội mùa thu của Festival Huế 2024 vừa khép lại với nhiều hoạt động ấn tượng cho du khách, một lần nữa khẳng định định hướng bốn mùa lễ hội của ban tổ chức. Mỗi mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của Festival sẽ mang lại một chủ đề với màu sắc riêng biệt thông qua nhiều hoạt lễ hội.
Cụ thể, lễ hội mùa Xuân được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 3, nổi bật là các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống và các lễ hội dân gian phong phú, độc đáo, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của du khách.
Lễ hội mùa Hạ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 6 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, hướng đến xây dựng Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Lễ hội mùa Thu được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 9 trọng tâm là các chương trình Tết Trung thu, với nhiều hoạt động trải nghiệm của du khách nhằm giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa chơi Trung thu của người Việt. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng từ bão số 3 nên nhiều hoạt động của chương trình tạm hoãn.
Lễ hội mùa Đông được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 12 với điểm nhấn là Tuần lễ âm nhạc Quốc tế 2024 và kết thúc bằng chương trình Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 - chào đón năm mới 2025.
Ở các lễ hội không chỉ giúp các loại hình nghệ thuật, văn hóa đặc trưng của Huế được quảng bá, giới thiệu mà còn giúp các hộ kinh doanh, cơ sở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có thêm cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất.
Tại buổi họp báo Festival Huế, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Festival Huế giúp thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư đối với cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị phục vụ Festival, bảo tồn văn hóa, trùng tu di tích... Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, thu hút ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động.
Để lại ấn tượng cho du khách
Trong chương trình Lễ hội áo dài Huế 2024 được diễn ra vào đêm 23-9 tại Nhà Hát sông Hương, đây là một trong những hoạt động tiêu biểu của Lễ hội mùa thu của Festival Huế 2024, anh Nguyễn Đăng Quốc (32 tuổi, ở TP Huế) cho rằng rất ấn tượng với các màn trình diễn đặc sắc, đặc biệt là sự dàn dựng công phu của những người làm chương trình.
Theo anh Quốc, qua nhiều kỳ Festival Huế trước đây các hoạt động của lễ hội chỉ tập trung vào khoảng 1 tuần, nhưng trong kỳ Festival này, Ban tổ chức đã kéo dài hết năm với nhiều chủ đề theo các mùa, mỗi mùa có những lễ hội phù hợp với không gian, cảnh quan và thời tiết ở vùng đất cố đô này tạo thành những chương trình hấp dẫn.
"Là một người dân của thành phố, tôi mong muốn rằng qua các kỳ Festival, dựa trên những giá trị văn hóa di sản vốn có của vùng đất Cố đô Huế, những người làm chương trình tiếp tục phát huy tính sáng tạo để có thêm những chương trình mới lạ, hấp dẫn, gần gũi hơn nữa với người dân và du khách" - anh Quốc nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024 cho rằng Festival hiện đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh để có những nét tươi mới khi gắn với lễ hội 4 mùa. Festival Huế sẽ tiếp tục phát huy kết quả của các kỳ Festival trước và định hình lễ hội mới theo xu thế phát triển.
Nhằm đưa Festival Huế phát triển vững chắc lên một tầm cao mới, với những định hướng lâu dài, những mục tiêu và yêu cầu cụ thể cho từng thời kỳ, Ban tổ chức Festival Huế đã xây dựng mô hình mới cho Festival Huế 2024 mang tính dài hơi theo hướng tổ chức festival trải dài cả 4 mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế.
Festival Huế sẽ thúc đẩy việc tạo ra các hình thái dịch vụ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thật sự là Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.