Ông Lê Thanh Quý, Giám đốc khách sạn Sài Gòn - Cần Thơ, cho biết từ khi cầu Cần Thơ sắp khánh thành đến nay, khách sạn luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Nhiều khách đến đăng ký ở dài ngày nhưng khách sạn phải từ chối do khách đã đặt hết phòng từ trước.
Không tìm được chỗ tại các khách sạn lớn ở trung tâm thành phố, du khách túa ra tìm chỗ nghỉ ở các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, nhà trọ trên trục QL 91B, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, Mậu Thân, Cách Mạng Tháng Tám… Lợi dụng tình hình này, nhiều chủ nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn vùng ven đã tăng giá lên gấp rưỡi, gấp đôi so ngày thường (phòng quạt từ 80 - 100 ngàn đồng/phòng/đêm; phòng có máy lạnh từ 250 - 400 ngàn đồng/đêm), nhưng các khách sạn vẫn hết phòng. Ước tính, dịp lễ này lượng khách đến Cần Thơ tăng gấp ba so với năm trước, chủ yếu là khách đến từ TP.HCM và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Lượng khách tới Cần Thơ tăng cao trong dịp này là do sức hấp dẫn của cầu Cần Thơ. Du khách Võ Thành Sang cho biết anh tranh thủ mấy ngày nghỉ đưa mẹ già 68 tuổi từ Đà Lạt tới ngắm cầu Cần Thơ. “Nhìn bà cụ tay run run sờ nắn mấy sợi dây văng trên cầu Cần Thơ, tôi cảm thấy chuyến du lịch này quá tuyệt vời, tốn bao nhiêu tiền cũng không tiếc”, anh Sang nói.
Đêm 30.4 khu vực cầu Cần Thơ bị kẹt xe nghiêm trọng (Thanh Niên đã thông tin). Cùng lúc, các khu du lịch ven trung tâm thành phố cũng bị quá tải... Đặc biệt, từ ngày cầu Cần Thơ khánh thành, dịch vụ “Bình minh trên sông - chào ngày mới trên sông Hậu và ngắm cầu Cần Thơ” của Công ty cổ phần du lịch Cần Thơ đắt như tôm tươi. Trong hai ngày lễ, tour du lịch trên sông ngắm cầu Cần Thơ đã “cháy vé” do lượng khách đăng ký tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Nhiều doanh nghiệp vận tải khách tăng thêm đầu xe tuyến Sài Gòn - Cần Thơ nhưng cũng không đáp ứng nổi nhu cầu.
Theo Thanh Dũng (TN)