LTS: Việt Nam đã gặt hái được những thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 và bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội, khôi phục dần các hoạt động kinh tế. Dù đang gặp rất nhiều thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt đang nỗ lực xoay xở vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội đầu tư và kinh doanh mới.
Từ ngày 23-4, một số địa phương như Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Bình, Bình Thuận… đã cho phép các đơn vị lữ hành, khu du lịch, cơ sở lưu trú đón khách trở lại nhưng phải đảm bảo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Đây là một trong những tín hiệu tốt để ngành du lịch hồi sinh sau gần bốn tháng đóng băng.
Tập trung khai thác thị trường nội địa
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết sau thời gian gián đoạn hoạt động bởi dịch COVID-19, ngày 27-4 vừa qua, công ty đã mở cửa trở lại. “Sau thời gian giãn cách xã hội, khá nhiều du khách liên hệ với công ty để tìm hiểu thông tin về du lịch. Trong đó, nhiều người quan tâm các tour trọn gói đến vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt để nghỉ dưỡng và tránh nóng” - bà Khanh thông tin.
Hiện nay, Vietravel chủ yếu giới thiệu dịch vụ phòng cho du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết. Bên cạnh đó, công ty cũng cho thuê xe từ bảy chỗ ngồi với mức giảm giá đến 20% so với trước. “Hệ thống đội xe được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo đạt tiêu chí an toàn chống dịch. Đội ngũ tài xế cũng được huấn luyện về phương pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế” - bà Khanh cho biết thêm.
Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Hoàng Đức Huy cũng cho hay giãn cách được nới lỏng là tín hiệu tốt cho các đơn vị du lịch khởi động trở lại. Tuy vậy, hiện các địa phương mở cửa đón khách trở lại chưa đồng bộ nên còn khó bán tour. Bên cạnh đó, dù khách hàng đã liên hệ tìm hiểu thông tin về các tour du lịch nhưng tâm lý vẫn dè dặt, nếu đi du lịch họ sẽ tự đi là chủ yếu chứ chưa đăng ký theo đoàn ở các công ty.
“Trước đây công ty tập trung 90% cho thị trường outbound (du lịch nước ngoài), bây giờ tập trung khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa là cơ hội khôi phục” - ông Huy thông tin.
Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Phó Chủ nhiệm nhóm khuyến mãi kích cầu Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhận định một số địa phương đã mở cửa đón khách. Tuy nhiên, ngoài tâm lý của du khách vẫn còn e ngại đi du lịch thì khó khăn của các đơn vị lữ hành là việc khó tổ chức tour khi thực hiện 10 tiêu chí trong phòng, chống dịch COVID-19. Chẳng hạn, đối với các khách sạn phải bố trí một người/phòng. Vì vậy, thời điểm này các công ty lữ hành không thể chào hàng và ký kết hợp đồng với khách hàng vì khó thực hiện tiêu chí.
“Nếu tháng 6, tháng 7 tình hình phòng dịch tốt, giao thông thuận lợi, các hãng hàng không mở nhiều chuyến bay và tung giá vé kích cầu thì lúc đó các công ty lữ hành sẽ xây dựng nhiều tour giá rẻ thu hút du khách” - ông Dũng nói.
Các công ty lữ hành đang tập trung khai thác thị trường nội địa. Trong ảnh: Du khách trong một chuyến tham quan miền Tây trước thời điểm xuất hiện dịch COVID-19. Ảnh: TÚ UYÊN
Ba xu hướng mới của du lịch
Ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho hay ngoài những tour truyền thống, hiện công ty còn mở bán các tour du lịch với hình thức mới đáp ứng theo tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19. Đó là tổ chức theo nhóm nhỏ dưới 20 người, điểm đến tiềm năng mà trước đây chưa được khai thác hết như tour leo núi, cắm trại.
“Trong điều kiện phòng, chống dịch, dù có những tiêu chí rất khó khăn khi tổ chức tour nhưng chúng tôi vẫn chấp hành và nghiêm túc thực hiện. Sức khỏe, an toàn cho du khách, cho cộng đồng là ưu tiên hàng đầu” - ông Huy nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel cũng nhìn nhận sẽ có ba xu hướng du lịch lên ngôi sau dịch. Đó là du lịch ở quãng đường gần dưới phạm vi 300 km, du lịch theo nhóm nhỏ giữa các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân. Vì vậy, Vietravel đang chuẩn bị giới thiệu chùm tour kích cầu đến các khu vực miền Tây, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ hay Tây Nguyên. Giá các tour sẽ giảm đến 50%.
Xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, khác biệt Sở Du lịch TP.HCM cho hay ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho khách du lịch, thời gian tới sở sẽ thúc đẩy triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Theo đó, phát huy vai trò then chốt của các công ty lữ hành lẫn dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Khách đến Đà Lạt, Nha Trang dịp lễ giảm Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng thông tin trong bốn ngày nghỉ lễ (từ ngày 30-4 đến 3-5), lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt ước đạt khoảng 55.000 lượt khách, giảm 52,2% so với cùng kỳ. Công suất phòng bình quân đạt khoảng 50%. Giá dịch vụ trong dịp lễ tương đối ổn định, không ghi nhận tình trạng tăng giá, ép giá đối với du khách. Còn theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, lượng khách đến Nha Trang trong dịp lễ năm nay sụt giảm sâu. Tổng lượt khách lưu trú là 2.777 lượt, trong đó khách quốc tế 377, khách nội địa 2.400. Công suất phòng chỉ đạt 2,81%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 82,75%. Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tháng 4 vừa qua, mảng dịch vụ lữ hành không phát sinh doanh thu, trong khi cùng kỳ năm ngoái mang về cho TP.HCM 2.279 tỉ đồng. Mảng dịch vụ lưu trú doanh thu giảm 88,2% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Đặc biệt, dù dịch bệnh đã tạm lắng, nhịp sống của mọi người đang trở lại bình thường nhưng khi tổ chức tour, công ty vẫn duy trì việc giãn cách. Ví dụ trên xe hay tại nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan..., công ty bố trí chỗ ngồi của du khách có một khoảng cách nhất định để gia tăng mức độ an toàn. Ngoài ra, du khách được cấp nước rửa tay, khẩu trang miễn phí để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở các quốc gia bên ngoài, có thể thấy thị trường nội địa sẽ là “cứu cánh” cho ngành du lịch trong giai đoạn mùa hè. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án sản phẩm hay truyền thông cho thị trường nội địa, các đơn vị lữ hành cần lưu ý đến khả năng dù các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng nhưng yêu cầu về hạn chế tụ tập đông người vẫn có khả năng được kéo dài trong một thời gian.
“Vì vậy, ngay cả với thị trường nội địa cũng nên ưu tiên cho giải pháp thu hút thị trường các địa phương lân cận. Ưu tiên các sản phẩm riêng tư, tránh các chương trình sự kiện, lễ hội thu hút đông người tham gia” - ông Phước gợi ý.
Chung tay kích cầu vực dậy du lịch Ông Trần Thế Dũng, Phó Chủ nhiệm nhóm khuyến mãi kích cầu Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho rằng thời điểm thuận lợi hơn để các công ty du lịch phục vụ du khách phải từ tháng 6 trở đi. Hy vọng đến thời điểm này, các tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19 được nới lỏng hơn. “Để phục hồi hoạt động sau dịch, các doanh nghiệp lữ hành cần hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ ở mọi miền đất nước để cùng chung tay giảm giá tour, hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành. Trong đó đặc biệt chú ý khai thác vé máy bay kích cầu của các hãng hàng không để sản phẩm du lịch nội địa vừa hấp dẫn, vừa được giá giảm sâu kích thích du khách nội địa” - ông Dũng nhấn mạnh. Cũng theo ông Dũng, dù dịch đã được kiểm soát nhưng không ít hướng dẫn viên, lễ tân, nhân viên điều hành… vẫn đang tạm nghỉ. Họ tranh thủ chạy Grab, đi giao hàng, bán hàng online hoặc về quê sống đắp đổi qua ngày, chờ hết dịch. Hậu quả là ngành dịch vụ du lịch sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề sau này. Vì vậy, các công ty lữ hành cần Nhà nước hỗ trợ để nhanh chóng hoạt động trở lại nhằm giữ lực lượng lao động, phục hồi hoạt động kinh doanh. |