Du lịch ứng phó COVID-19: Mời triệu phú Ấn Độ đến Việt Nam

Hai tháng qua du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch cần làm gì để thoát khỏi khó khăn?

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm ứng phó các dịch bệnh như SARS, MERS… xung quanh vấn đề này. Ông Thọ chia sẻ: “Dịch COVID-19 bùng phát tạo ra tâm lý hết sức nặng nề cho cộng đồng, du khách. Đây là điều chưa từng có trong ngành du lịch”.

Bài học kinh nghiệm ứng xử trong khủng hoảng ngành du lịch

. Phóng viên: Theo ông, ngành du lịch nên có cách tiếp cận nào trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay?

Ông 
Nguyễn Hữu Thọ

+ Ông Nguyễn Hữu Thọ: Từ kinh nghiệm trải qua nhiều năm ứng phó với dịch bệnh, tôi thấy điều quan trọng nhất là chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Chính phủ Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó dịch và cần tuân hành chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế. Có như thế ngành du lịch mới có thể bảo vệ chính mình và du khách.

Tôi cũng cho rằng với ngành du lịch trong rủi ro luôn có cơ hội, bởi ít có cơ hội nào đến trong điều kiện bình thường cả. Đó là sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn du khách sẽ đông hơn, số ngày đi du lịch sẽ dài hơn và chi tiêu cho du lịch sẽ cao hơn. Nó giống như quy luật cái lò xo vậy, nghĩa là sau nhiều ngày dồn nén nó sẽ bung mạnh. Ví dụ sau khủng khoảng kinh tế tại châu Á những năm 1997 hay sau dịch SARS xuất hiện nhiều tỉ phú, triệu phú địa ốc, du lịch, hàng không, thương mại đầu tư…

Do đó ngành du lịch phải tư duy theo hướng tích cực mới có thể giải quyết được khó khăn hiện nay.

. Va qua Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình liên minh kích cầu du lịch nội địa. Ông có cho rằng đây là giải pháp giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện tại, đồng thời cũng là cơ hội để các công ty du lịch thoát khỏi lao đao?

+ Sau mỗi cuộc khủng hoảng thiên tai, địch họa, bài học của các nước là kích cầu thị trường du lịch nội, lấy du lịch nội địa làm gốc. Dự báo thời gian tới sẽ là thời kỳ mới bùng nổ khách du lịch nội địa. Do đó, điều quan trọng khi liên minh kích cầu là doanh nghiệp (DN) cần liên minh thật sự. Khi đó những thiệt hại của DN sẽ được bù đắp và tiến lên trong những năm tới.

Do ảnh hưởng của COVID-19, ước tính ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỉ USD. Trong ảnh: Khách du lịch quốc tế tham quan TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Làm thật chứ làm giả không thành công được

. Vì sao ông nhấn mạnh ngành du lịch“phải liên minh thật sự”?

+ Liên minh nhằm cùng nhau chia sẻ sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận để lấy được cái lớn hơn là thương hiệu và thị trường. Khi liên minh kích cầu thì DN phải làm thật chứ làm giả không thành công được. Vừa qua có đơn vị tham gia liên minh kích cầu nhưng chỉ giảm giá khách sạn 10%.

Liên minh là phải đoàn kết, đồng lòng vượt qua khủng hoảng, khó khăn nhưng giảm nhỏ giọt như vậy làm sao kích cầu được, làm sao thu hút được khách đến với mình.

. Vậy theo ông, điểm yếu nhất của các công ty du lịch Việt vẫn là mạnh ai nấy làm, chưa thật sự bắt tay nhau vượt qua khó khăn?

+ Tôi nói điểm yếu nhất của chúng ta là thiếu liên kết, liên minh. Nếu đã tham gia liên minh kích cầu là phải giảm sâu, giảm phải có ý nghĩa, giảm 30%-40% trở lên. Về lâu dài ta sẽ có thương hiệu, có thị trường, có khách đông hơn.

. Ông có thể nói rõ hơn bản thân mỗi DN cần làm gì trong thời điểm hiện nay?

+ Tranh thủ giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm mới chất lượng tốt… Khi DN chuẩn bị tốt từ giai đoạn này thì sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt về cả lượng khách lẫn lợi nhuận trong tương lai.

Chúng ta có thể thắng dịch và chỉ có thể thành công trong kinh doanh với thái độ tốt. Ví dụ, do dịch bệnh nên du lịch Việt Nam khó chào đón khách bằng nụ cười từ miệng thì phải cười bằng mắt.

Chủ DN hãy nói với nhân viên cười bằng mắt. Cười bằng mắt là xuất phát từ tâm hồn, từ trái tim và du khách sẽ cảm nhận được, sẽ yêu mến. Đó là nụ cười từ tâm hồn để lôi kéo du khách trong nước và quốc tế đến với chúng ta.

Du lịch Đà Nẵng thiệt hại gần 20.000 tỉ đồng

Ngày 4-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt các DN trên địa bàn nhằm bàn cách tháo gỡ khó khăn, vượt qua dịch bệnh COVID-19. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay theo tính toán ngành du lịch TP thiệt hại gần 20.000 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch. “Nếu dập dịch tốt, khoảng tháng 6 mới có dấu hiệu phục hồi, còn không sẽ mất nguyên năm 2020” - ông Dũng dự báo.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh dù gì thì TP cũng phải “đi bằng hai chân”. Tức vừa phòng, chống dịch vừa hỗ trợ phát triển kinh tế. “Mặc dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn chuẩn bị công bố điểm đến an toàn về du lịch. Còn việc miễn phí, lệ phí thì DN không phải lo, cứ kích cầu, khuyến khích khách du lịch đến TP trước đã” - ông Minh nói. 

Đừng chọn thị trường dễ dãi

. Để vượt qua khó khăn, vừa qua ngành du lịch kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN như miễn giảm thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng, miễn thị thực cho các thị trường Úc, NewZealand, Canada… Ông đánh giá thế nào về các giải pháp này?

+ Tôi cho rằng ngoài kích cầu du lịch nội địa, miễn visa là quyết định quan trọng để đáp ứng nhanh tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn, ngoài những kiến nghị chính sách hỗ trợ thì bản thân mỗi công ty phải tự chuyển đổi thị trường để cứu mình. Bên cạnh đó ngành du lịch phải định hướng lại thị trường, không nên chọn thị trường dễ dãi mà phải chủ động chuyển dịch sang các thị trường mới.

. Sự dễ dãi của ngành du lịch mà ông vừa đề cập chắc hẳn là chuyện quá phụ thuộc vào khách Trung Quốc?

+ Khoảng 10 năm trước tôi đã từng cảnh báo rằng ngành du lịch không thể phụ thuộc vào một thị trường để rồi khi có vấn đề là chúng ta ngắc ngoải. Bởi khi chúng ta dễ dãi, không đa dạng hóa thị trường thì không cần bị dịch cũng sẽ sụp đổ.

Chẳng hạn, mỗi khách sạn, công ty… nên chọn tỉ lệ khách nhất định để phân tán rủi ro. Ví dụ, một khách sạn tại Mũi Né đón 25% khách Úc, 25% khách Trung Quốc… nên khi mất khách Trung Quốc họ chỉ mất 25% và có thể lấy khách tại thị trường nội địa hoặc thị trường khác bù đắp vào. Làm như vậy sẽ giữ ổn định công suất chứ nếu đón 80%-85% khách Trung Quốc vào, khi họ rút đi thì chao đảo ngay lập tức.

Nói như vậy không phải là phân biệt thị trường. Khách từ mọi thị trường đến Việt Nam đều được chào đón nhưng phải có sự cân bằng tỉ lệ để có thể tránh được rủi ro khi thị trường khách đó sụp đổ. 

Xin cám ơn ông.

Phải mời được triệu phú Ấn Độ đến Việt Nam

. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông có gợi ý cụ thể nào cho các công ty du lịch, nhất là khi họ muốn chuyển đổi thị trường?

+ Thị trường Úc dư địa còn lớn. Khách NewZealand thích biển mà Việt Nam có đường bờ biển dài là lợi thế để thu hút khách từ quốc gia này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là thị trường khách đến Việt Nam nhiều sau Trung Quốc. Do vậy, chúng ta có thể khai thác thêm tour du lịch biển, tour về đám cưới, tour về golf... để có thêm lượng khách Hàn mới sau khi hết dịch.

Du lịch ứng phó COVID-19: Mời triệu phú Ấn Độ đến Việt Nam ảnh 3
Ngành du lịch đang nỗ lực tìm thêm thị trường khách mới. Ảnh: TU

. Ngành du lịch cũng đang nhắm tới thị trường Ấn Độ, vậy ông đánh giá về tiềm năng thị trường ra sao?

+ Trong cái rủi của dịch COVID-19, may mắn ngành du lịch nhìn lại và nhanh chóng xúc tiến các thị trường tiềm năng như khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ... Đặc biệt là Ấn Độ, thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh khi năm 2019 khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng 27%. Ấn Độ với 1,4 tỉ dân mà các triệu phú chiếm 5%. Việt Nam nên phát triển, thu hút thị trường cao cấp các triệu phú Ấn Độ.

Vấn đề là muốn thu hút khách Ấn Độ cũng như từ các thị trường mới chúng ta phải chuẩn bị tốt những nhà hàng chuyên biệt, nhân sự, dịch vụ và am hiểu văn hóa của quốc gia đó. Nếu không, chúng ta sẽ không khai thác được những thị trường này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm