‘Việt Nam là điểm đến an toàn’

Ngày 20-2, Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị thảo luận về ứng phó với COVID-19 của ngành du lịch nhằm tìm ra những giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cắt giảm nhân sự, giảm lương

Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, lúng túng kể: “Vừa rồi chúng tôi có đoàn khách Incentive (du lịch khen thưởng) với 280 khách từ Công ty Prudential của Indonesia. Công ty đặt khách sạn Equatorial (quận 5, TP.HCM) từ ngày 6 đến 9-2. Tuy nhiên, tin tức COVID-19 dồn dập khiến phía đối tác hủy phòng, họ giải thích vì sự cố bất khả kháng. Đồng thời, họ cũng nhờ khách sạn hỗ trợ giảm số tiền vì họ đã thanh toán 100%. Tuy nhiên, ngày 19-2, ông Hùng nhận được thư từ lãnh đạo khách sạn cho biết rất tiếc họ không thể hoàn tiền cho khách hàng.

“Tuần sau tôi bay sang Jakarta cập nhật với khách hàng đối tác về tình hình COVID-19 tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng như các gói kích cầu mà ngành du lịch TP.HCM sắp tung ra. Trong chương trình làm việc tôi có ghé đến Prudential ở Indonesia, tôi chưa biết sẽ nói với họ thế nào. Trong khi Việt Nam đang quảng bá là điểm đến an toàn cho du khách nhưng tôi lại không bảo vệ được khách hàng” - ông Hùng trăn trở.

Bà Bùi Việt Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Đường mòn châu Á, cho biết thị trường khách châu Âu đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3. Tuy nhiên, năm nay do COVID-19 nên tất cả đoàn, cụ thể 30% đoàn khách du lịch hội nghị (MICE) từ tháng 2 đến tháng 5 đều hủy.

Theo bà Tiên, du khách lo ngại đến Việt Nam một phần vì nếu bây giờ họ book tour, sau đó diễn tiến dịch xấu hơn, khách hủy tour sẽ bị phạt hoặc mất chi phí đặt cọc. Đối với khách MICE đa phần là những đoàn lớn nên khách sạn đều yêu cầu đặt cọc tiền ngay, nếu sau đó hủy, khách sạn sẽ không hoàn lại. “Các khách sạn nên linh hoạt hơn, có thể cho khách chờ đó 1-2 tháng xem tình hình thế nào rồi quyết định. Điều này sẽ khuyến khích du khách an tâm hơn khi book tour mới đến Việt Nam” - bà Tiên nói.

Ngoài ra, nhiều DN khác cũng bị ảnh hưởng do lượng khách giảm nhanh, doanh thu giảm mạnh nên không đủ chi phí để vận hành. Hàng loạt công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên.

Theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch. Hiện có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM thiếu công việc, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc vì không có khách du lịch để dẫn các chương trình tham quan.

Khách du lịch đến TP.HCM được phát khẩu trang miễn phí. Ảnh: T.UYÊN

Có thể truyền thông trên kênh CNN

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trên cơ sở nắm thông tin góp ý từ các DN, sở đề xuất Tổng cục Du lịch kiến nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo đó, cho phép chậm nộp các loại thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế DN, thuế giá trị gia tăng của các DN du lịch. Đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV-2020.

Sở Du lịch cũng đề nghị Tổng cục Du lịch đề xuất Bộ VH-TT&DL đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Việt Nam là điểm đến an toàn” tới  người dân và du khách. Theo đó, bên cạnh thông tin về các giải pháp phòng, chống COVID-19, cần tuyên truyền thông điệp về Việt Nam đang an toàn và kiểm soát phòng dịch COVID-19 tốt.

“Tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm đặc biệt, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN. Ngoài ra, cần tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi là sắp có đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ” - ông Vũ nói.

Theo đánh giá sơ bộ của một số DN kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP, mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và đến quý I-2020 doanh thu giảm 40%-60%. Đặc biệt đối với các DN kinh doanh thị trường Trung Quốc giảm mạnh 70%-80%. 

Còn theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch, những đề xuất của Sở Du lịch cũng sát với đề xuất của tổng cục. Vụ thị trường đang xây dựng chương trình ứng phó với COVID-19. Thứ nhất, vụ đề xuất chương trình truyền thông sau COVID-19 và truyền thông rộng rãi khẳng định điểm đến Việt Nam là an toàn. Nếu nguồn lực cho phép có thể truyền thông trên CNN. Thực hiện truyền thông trực quan tại một số TP lớn như Seoul (Hàn Quốc), mạng xã hội Trung Quốc.

“Về thị trường, ngành du lịch vẫn đang hướng tới những thị trường đang khai thác tốt sau COVID-19 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc. Tiếp tục khôi phục thị trường Trung Quốc nhưng chậm lại so với các thị trường khác. Tiếp theo là thị trường ASEAN và thu hút ngay lập tức là thị trường Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ ” - ông Đức cho hay.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá cao báo cáo của Sở Du lịch TP dựa trên ý kiến đóng góp của các DN. Đồng thời ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp báo cáo đề xuất lên Chính phủ các chính sách, chương trình hành động hỗ trợ cho DN. Cụ thể là năm nhóm vấn đề như giảm thuế; về tài chính; chính sách tài chính; các chính sách về visa; tăng cường xúc tiến quảng bá ở cả trung ương và địa phương; các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, việc làm, khắc phục hậu quả dịch COVID-19…

Ngoài ra, tổng cục sẽ triển khai ba chương trình là chương trình truyền thông, chương trình kích cầu, chương trình xúc tiến quảng bá tăng cường. “Tổng cục ghi nhận ngành du lịch chịu thiệt hại vô cùng to lớn nhưng không bi quan. Với tất cả nỗ lực của các bên, với sự đồng lòng, chủ động của Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, DN… tích cực phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi tin tưởng ngành du lịch sẽ vượt qua khó khăn” - ông Siêu nói.

Chủ tịch tỉnh viết tâm thư gửi du khách mùa COVID-19

Ngày 20-2, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ có thư gửi đến các đối tác và khách du lịch trong thời điểm nền kinh tế ảnh hưởng bởi COVID-19.

Trong thư, ông Phan Ngọc Thọ nêu thời gian qua, COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm virus chủng mới Corona. Thừa Thiên-Huế vẫn là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và thu hút du khách…

“Tỉnh Thừa Thiên-Huế thông báo để quý đối tác và khách du lịch biết, an tâm và tiếp tục chọn đất nước Việt Nam và điểm đến Thừa Thiên-Huế an toàn - thân thiện - hấp dẫn trong các hành trình sắp đến” - ông Thọ nêu trong thư.

N.DO 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm