Dự thảo Luật BHXH: Nhiều giải pháp “trị” trốn đóng BHXH

(PLO)- Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã có những đề xuất về việc xử lý việc chậm, trốn đóng BHXH.

Với thực trạng hiện nay đang diễn ra tại hầu hết các địa phương, đó là hằng tháng người lao động (NLĐ) đóng tiền BHXH đầy đủ nhưng một số đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) không nộp cho cơ quan BHXH.

Để đảm bảo quyền lợi về BHXH đầy đủ của NLĐ, dự thảo đã có những quy định về việc xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Đồng thời, dự thảo còn đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để NLĐ hưởng lương hưu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (ảnh), Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, đã có một số chia sẻ quanh vấn đề trên.

Biện pháp xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH

. Phóng viên: Thưa bà, dự thảo Luật BHXH sửa đổi xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, quản lý thu, đóng BHXH như thế nào?

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung nội dung quy định về quản lý thu, đóng BHXH, trong đó có quy định cả trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Nội dung dự thảo nhằm tăng cường hiệu quả trong việc quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng BHXH. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH.

Cụ thể, dự thảo bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Người dân đến cơ quan BHXH tại TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến cơ quan BHXH tại TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH. Theo đó, người SDLĐ nếu sau thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày, tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên. Hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa.

Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Giảm năm đóng BHXH, nhiều người có lương hưu

. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Theo bà, việc này có lợi như thế nào cho NLĐ?

+ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu như vậy có nhiều lợi ích cho người tham gia.

Cụ thể, tạo cơ hội cho người tham gia muộn, chẳng hạn vào độ tuổi 45-47 NLĐ mới bắt đầu tham gia BHXH; hoặc người tham gia không liên tục thì có thể tham gia tiếp tục đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và đóng đủ 15 năm; hay người đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ 20 năm đóng BHXH như hiện nay mà đã đóng đủ 15 năm cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Việc giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW để có nhiều người được hưởng lương hưu hơn.

Đồng thời, giảm năm đóng BHXH sẽ khuyến khích NLĐ bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần như hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo Luật BHXH phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.

. Xin cảm ơn bà.•

Bệnh COVID-19 được xem là bệnh nghề nghiệp

. Phóng viên: Xin bà cho biết trong năm 2023, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH đã bổ sung loại bệnh nào?

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Theo Thông tư 02/2023 (sửa đổi Thông tư 15/2016) của Bộ Y tế, từ ngày 1-4-2023, bệnh COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.

Bệnh này phát sinh trong quá trình lao động, do NLĐ phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Những nghề, công việc có khả năng mắc bệnh COVID-19 nghề nghiệp như người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm