Dự thảo nghị quyết về án lệ được sự đồng thuận cao

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) Chu Thành Quang cho hay dự thảo đã nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên tham dự phiên họp, trong đó có đại diện Bộ Tư pháp và VKSND Tối cao.

Trước đó, khi góp ý cho dự thảo nghị quyết, chưa bàn tới nội dung, riêng vấn đề về thời điểm ban hành và thời điểm có hiệu lực của nghị quyết cũng đã có những ý kiến khác nhau.

Cụ thể, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cân nhắc thời điểm ban hành (và thời điểm có hiệu lực) của nghị quyết sau thời điểm các BLDS (sửa đổi), BLTTDS (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được Quốc hội ban hành (và có hiệu lực) thì sẽ hợp lý hơn. Theo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, việc áp dụng án lệ là một nguyên tắc tố tụng cơ bản cần được quy định cụ thể trong các bộ luật về tố tụng để bảo đảm thống nhất trong nhận thức pháp luật, xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, đồng thời cũng để bảo đảm phù hợp với đúng tính chất của việc áp dụng án lệ trong những lĩnh vực pháp luật khác nhau. Trường hợp cần quy định về áp dụng án lệ trong nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì đó cũng chỉ là sự cụ thể hóa quy định của các bộ luật về tố tụng. Hơn nữa, các bộ luật nói trên sắp được Quốc hội thông qua cũng đều có quy định về áp dụng án lệ.

Về việc này, ông Chu Thành Quang lại cho rằng nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần được ban hành sớm để có hiệu lực đồng thời với thời điểm các bộ luật nói trên có hiệu lực. Có như vậy thì việc áp dụng án lệ mới sớm được triển khai trong thực tiễn. “Nếu chờ các bộ luật trên được ban hành, rồi chờ sáu tháng sau khi các bộ luật có hiệu lực mới ban hành nghị quyết, sau đó tiếp tục chờ nghị quyết có hiệu lực thì quá trễ” - ông Quang nói.

Hơn nữa, theo ông Quang, đến thời điểm này đã có đủ cơ sở pháp lý để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về việc ban hành và áp dụng án lệ. Chẳng hạn, Điều 22 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”…

Ông Quang cũng thông tin thêm, tại cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức, ông đã giải trình về vấn đề này. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thống nhất quan điểm cần sớm ban hành nghị quyết nói trên.

Được biết trong hôm nay, nhóm biên soạn sẽ tiếp tục chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước khi gửi xin ý kiến (bằng văn bản) các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao một lần nữa.

Án lệ là gì?

Theo giới luật học, án lệ là đường lối áp dụng luật pháp của các tòa án về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ để các thẩm phán theo đó xét xử trong những trường hợp tương tự về sau. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, án lệ là nội dung trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa về một vụ việc cụ thể, có tính chuẩn mực, chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết vụ việc cụ thể đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới