“Đưa được một sản phẩm trái cây vào thị trường các nước, phải đấu từng tí một”

(PLO)- Bộ trưởng NN&PTNT cho hay khi tham gia đoàn công tác, ông có vào các siêu thị lớn của Mỹ và thấy rằng rất ít nông sản của Việt Nam được bày bán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhiều đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu các giải pháp cho vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao…

Thương hiệu nông sản Việt Nam đang ở giai đoạn nào?

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Thương hiệu nông sản Việt Nam đến nay đang ở giai đoạn nào? Bộ trưởng làm gì để nông sản Việt Nam khẳng định vị thế của mình?”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đối với vấn đề thương hiệu nông sản cần phân biệt thế nào là nhãn hiệu, thế nào là thương hiệu? Nhãn hiệu có khi chỉ cần đăng kí với Bộ KHCN, nhưng thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.

“Để xây dựng thành công một thương hiệu nông sản, có khi phải 5 năm, 10 năm mới xây dựng được và phải bắt đầu từ ngành hàng, chứ không phải từ Bộ NN&PTNT” - Bộ trưởng Hoan nói.

Trả lời cụ thể câu hỏi của đại biểu Phước, Bộ trưởng NN&PTNT cho hay vừa rồi khi tham gia đoàn công tác của Chính phủ, ông có vào các siêu thị lớn của Mỹ và thấy rằng rất ít nông sản của Việt Nam được bày bán tại đó.

“Nghĩa là về mặt thương hiệu, chúng ta đã chậm một bước” - Bộ trưởng NN&PTNT nói và cho biết lý do là chúng ta chưa tổ chức lại hệ thống ngành hàng tốt, chưa chuẩn hoá được tất cả yêu cầu của thị trường, chưa tạo ra niềm tin về một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, chưa tạo ra được sự tín nhiệm của thị trường.

Từ đó, Bộ trưởng Hoan cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án để nâng cao phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Đề án này cần sự vào cuộc của cả hệ thống, từ cấp cơ sở là nơi tổ chức lại ngành hàng, đưa bà con vào hợp tác xác để thống nhất một quy trình canh tác, để tất cả sản phẩm của chúng ta đồng nhất và đảm bảo tính liên tục, nhiều mùa vụ.

Công thức 'bia kèm lạc' trong đàm phán xuất nhập khẩu nông sản

Cùng tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định: Nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hàng hoá và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Ông cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, thị trường tiêu dùng lên tới gần 7 tỉ người. Thị trường rất rộng mở. Cạnh đó, nông sản Việt Nam đã vào được các thị trường rất khó tính, như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển.

“Những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường. Người sản xuất vùng trồng, vùng nuôi đã quán triệt được tinh thần bán ra cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Sản xuất đã theo tín hiệu thị trường” - ông Diên nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Công Thương cũng cho biết thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp rất tốt để khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Bộ Công Thương cũng đã làm rất tốt trong việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ thương vụ Việt Nam ở ngoài nước và đàm phán đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký.

“Để đưa được một sản phẩm trái cây hay vật nuôi vào thị trường các nước rất khó khăn, vất vả, đấu nhau từng tí một. Trong đàm phán, theo công thức rất vui là ‘bia kèm lạc’. Họ chấp nhận ta một sản phẩm này thì ta cũng phải chấp nhận họ một sản phẩm khác” - Bộ trưởng Công Thương chia sẻ và tiếp tục cho biết Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương có liên quan để thuận lợi hoá các thủ tục, thuận lợi hoá các thương mại quốc tế.

Thời gian tới, để hàng hoá nông sản Việt Nam vào được thị trường thế giới, Bộ trưởng Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm thật tốt công tác thông tin thị trường, từ đó định hướng sản xuất vùng trồng vùng nuôi tại các địa phương. Tiếp tục đàm phán đưa nông sản Việt Nam vào thị trường các nước để tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do đã ký. Đẩy mạnh triển khai đề án xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm