Đưa hối lộ: Chủ động khai báo sẽ không bị tội

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19-7 có thông tin ba công chức ở Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM) vừa bị TAND TP.HCM tuyên phạt từ hai đến bốn năm tù về tội nhận hối lộ của một công ty TNHH. Trong khi đó, phó giám đốc công ty này tuy có hành vi đưa hối lộ nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các chuyên gia pháp luật có những phân tích pháp lý để làm rõ việc không truy cứu này.

Thẩm phán NGUYỄN ĐỨC SÁU, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Không truy cứu là phù hợp

Khoản 6 Điều 289 BLHS quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội… Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự…

Đối chiếu lại vụ án nhận hối lộ mà TAND TP.HCM mới đưa ra xét xử ngày 18-7, rõ ràng kết quả điều tra và cáo trạng xác định người đưa hối lộ đã đưa tiền bồi dưỡng cho tổ kiểm tra. Sau đó, người đưa hối lộ bị đòi hỏi phải đưa thêm tiền. Cụ thể, Báu chủ động bảo D. phải chi riêng cho Báu 75 triệu đồng nếu muốn giữ nguyên mức phạt, D. năn nỉ thì được giảm còn 40 triệu đồng. Đây là sự đòi hỏi của cán bộ nhà nước chứ không phải sự chủ động của người đưa hối lộ. Sau đó, chính người trong tổ kiểm tra đó còn phản ứng và nói: “Ông này dã man quá”. Hành vi đưa hối lộ của D. có phần miễn cưỡng, sau đó chủ động tố cáo trước khi bị phát giác. Do đó không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với D. là phù hợp đường lối giải quyết những trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS.

Đưa hối lộ: Chủ động khai báo sẽ không bị tội ảnh 1

Bị cáo Trần Văn Báu, nguyên đội trưởng Đội Kiểm tra thuế số 8 - Chi cục Thuế quận 1 cùng các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.NGA

HĐXX xét thấy D. có hành vi đưa hối lộ nhưng đã chủ động tố giác hành vi sai phạm và cung cấp chứng cứ hỗ trợ cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, từ đó quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với D. là phù hợp quy định pháp luật.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM:

Chủ động đưa hối lộ khó được miễn truy tố

Có hai trường hợp đưa hối lộ, xét về mặt ý thức thì hoàn toàn khác nhau.

Trường hợp 1, người chủ động dùng tiền lo lót để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm việc gì đó có lợi cho mình rồi không đạt được mục đích thì làm đơn tố giác thì không thuộc đối tượng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá mức độ hành vi, tính chất của yêu cầu của đương sự để xử lý…

Trường hợp 2, người đưa hối lộ không muốn thực hiện vì biết đó là sai nhưng vẫn bị buộc phải đưa. Có thể họ đưa đủ để giải quyết công việc sau đó tố giác trước khi bị phát giác thì không xử lý. Cũng có thể họ đưa không đến nơi đến chốn, giả vờ đưa một ít gọi là rồi sau đó tố giác trước khi bị phát giác thì cũng không bị xử lý. Dù sao hành vi tố giác việc nhận hối lộ là hành vi tốt, có ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống lại việc vòi vĩnh của cán bộ, công chức. Hành vi tố giác trong trường hợp này còn có công là ngăn chặn những việc làm xâm hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, góp phần bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh trong bộ máy nhà nước.

Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Khuyến khích việc tố giác tội phạm

Đưa hối lộ là hành vi người phạm tội sử dụng tài sản hoặc lợi ích vật chất nào đó tác động vào hành vi của người có chức vụ, quyền hạn để hành vi của người có chức vụ, quyền hạn diễn ra theo cách mà người đưa hối lộ mong muốn.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp người đưa hối lộ ban đầu (do bị ép buộc hoặc không bị ép buộc) thực hiện việc đưa hối lộ. Nhưng sau đó nhận thức việc làm của mình là không đúng pháp luật nên tự nguyện dừng hành vi đưa hối lộ và tố cáo cho cơ quan chức năng. Để khuyến khích việc tố giác tội phạm, đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của những người có chức vụ, quyền hạn, BLHS quy định hai trường hợp mặc dù đã thực hiện việc đưa hối lộ nhưng không bị coi là có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, người bị ép buộc đưa hối lộ. Tức là người đưa hối lộ bị người có chức vụ, quyền hạn ép buộc phải đưa hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm, làm nhanh các thủ tục… Người đưa hối lộ đã thực hiện việc đưa hối lộ nhưng sau đó trình báo chính quyền trước khi sự việc bị phát giác. Trong trường hợp này, BLHS không coi việc đưa hối lộ là hành vi phạm tội và tài sản được sử dụng trong việc đưa hối lộ được trả lại cho người đã tố giác.

Thứ hai, người đưa hối lộ không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi sự việc đưa hối lộ bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, tài sản sử dụng vào việc đưa hối lộ được trả lại một phần hoặc toàn bộ. Đối với trường hợp thứ hai này, việc có xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, tính chất phạm tội, hậu quả… Do vậy, điều luật chỉ quy định “có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Một số vụ tương tự

Tháng 6-2011, Vi Văn Dây và Len Văn Lưu bị truy tố về tội trộm cắp cáp viễn thông. Hồ sơ chuyển sang tòa, thẩm phán Đỗ Chí Nguyện (chánh án TAND huyện Mường Lát, Thanh Hóa) gọi hai gia đình Dây và Lưu lên yêu cầu mỗi nhà đưa 5 triệu đồng thì ông sẽ tuyên án treo về tội trộm cắp tài sản, nếu không sẽ xử về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Các đương sự đồng ý chung tiền và bí mật ghi âm. Sau đó tòa tuyên Dây và Lưu phạm tội trộm cắp tài sản và án treo. Nửa tháng sau phiên xử, gia đình hai bị cáo đã tố giác hành vi nhận hối lộ của thẩm phán Nguyện. Tại phiên tòa ngày 11-7-2013, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt Nguyện ba năm tù giam. Hành vi đưa hối lộ của người nhà Dây và Lưu không bị xử lý.

 Ngày 23-5 vừa qua, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Minh Toàn, nguyên thẩm phán TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nguyên cuối năm 2011, Công ty TNHH N. (đóng tại huyện Vĩnh Cửu) khởi kiện quyết định hành chính của UBND thị trấn Vĩnh An. Sau đó ông Toàn xin đương sự một chiếc máy ảnh (trị giá khoảng 20 triệu đồng) để tặng cho cán bộ tòa án thì mới đưa vụ án ra xét xử. Tháng 7-2012, ông Toàn xử vụ án nhưng bác đơn kiện nên công ty đã tố giác ông. Người đưa hối lộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm