Đưa nghề chằm nón lá lên mạng xã hội để tiếp cận người tiêu dùng

(PLO)- Việc giữ gìn và phát triển nghề chằm nón lá góp phần duy trì, mở ra cơ hội tốt hơn và nâng cao thu nhập cho người dân xã An Ninh Tây (Long An).

Nghề chằm nón lá ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tồn tại hàng chục năm, được nhiều gia đình xem là nghề chính để nuôi sống gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn chỉ còn lại những người lớn tuổi giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Nhiều người trẻ không tiếp nối nghề này mà lại chọn làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp.

Giữ gìn nghề chằm nón lá quê hương

Từ thời xưa, nón lá được sử dụng phổ biến và rộng rãi nên huyện, tỉnh nào cũng có làng nghề chằm nón mới đủ cung ứng như cầu xã hội. Vì vậy mà nghề này đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở xã An Ninh Tây.

Nghề chằm nón lá ở xã Ninh Tây có từ lâu đời và lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: HD

Hơn 50 năm làm nghề chằm nón lá, bà Nguyễn Thị Dung (73 tuổi, xã An Ninh Tây) cùng với nhiều thế hệ người dân làm nghề đã trải qua bao nhiêu thăng trầm và phát triển cùng chiếc nón lá quê hương.

Để làm ra chiếc nón lá người thợ làm nghề phải trải qua quá trình lao động bền bỉ và khéo léo. Ảnh: HD

Theo bà Dung, trước đây, đa số nhà nào cũng làm nghề chằm nón để trang trải cuộc sống nhưng ở thời điểm hiện tại, xã chỉ còn khoảng 140 hộ gắn bó với nghề truyền thống này.

“Hồi xưa cái nghề chằm nón này vui lắm, nó kết nối tất cả các thành viên trong gia đình lại cùng nhau làm việc chằm nón từ sáng đến chiều. Tất cả các thành viên đều quay quần ở nhà cùng nhau làm nghề chằm nón, cha thì chẻ vành, vót vành, còn mẹ thì nhặt lá, vuốt lá, các con thì chia làm các khâu với công việc phù hợp của mình” - bà Dung kể lại.

Nón lá ở xã An Ninh Tây được ưa chuộng bởi độ bền, đẹp. Ảnh: HD

Nón lá ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn được thị trường nhiều tỉnh, thành phố lân cận ưa chuộng bởi độ bền, khéo léo từ chính đôi bàn tay lành nghề của những người thợ thủ công trong vùng.

Theo người dân làm nghề nơi đây, nguyên liệu làm nón là từ lá mật cật. Lá này trước đây ở địa phương có rất nhiều. Hiện nay, lá mật cật tại đây không còn, người dân phải đi mua ở địa phương khác. Chiếc nón lá làm từ lá mật cật rất nhẹ, bền và đẹp.

Công đoạn quan trọng nhất là chằm nón. Người làm nghề phải khéo léo, tỉ mỉ không lộ chân kim và giấu đi những đường chỉ. Ảnh: HD

Để có một chiếc nón lá hoàn hảo, người thợ phải tỉ mỉ, kỳ công trải qua nhiều công đoạn. Đam mê với nghề nên dù vất vả, nhiều phụ nữ địa phương không bỏ nghề chằm nón lá.

Bà Trương Thị Đoan luôn đam mê với nghề chằm nón quê hương. Ảnh: HD

“Ngày trước, nghề này cả nhà làm có thu nhập ổn định, bây giờ tiêu thụ khó khăn, nhiều công ty, xí nghiệp mở ra nên tụi nhỏ đi tìm việc khác làm. Tôi lớn tuổi, sức khỏe yếu thì ở nhà, vừa giữ cháu vừa làm kiếm thêm.

Tôi vui nhất là nón thành phẩm được mọi người đón nhận. Cái nghề này ông bà truyền dạy bao đời, được mấy chục năm nay nên giờ tiếp tục giữ" - bà Trương Thị Đoan (50 tuổi, xã An Ninh Tây) chia sẻ.

Sức sống mới từ nghề chằm nón

Theo chị Trịnh Thị Hải Yến (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An ninh Tây), nghề chằm nón truyền thống ở địa phương được duy trì lâu đời. Trải qua bao thăng trầm và đổi thay của cuộc sống, nghề này đang dần thu hẹp. Người giữ nghề đa phần là phụ nữ, tranh thủ thời gian rảnh rỗi việc đồng án để chằm nón, có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nón lá ngày càng giảm đi nên người dân chỉ còn sản xuất ở mức nhỏ lẻ. Để hỗ trợ người dân gìn giữ nghề truyền thống, địa phương đã quan tâm động viên, phối hợp với các ngành chức năng xem xét phương án kết hợp phát triển nghề chằm nón.

Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp nghề chằm nón lá và vẽ trang trí nghệ thuật ở xã An Ninh Tây đang trên đà phát triển, xây dựng thương hiệu. Ảnh: HD

“Hiện nay, tại xã An Ninh Tây có thành lập Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp nghề chằm nón lá và vẽ trang trí nghệ thuật với mục đích duy trì nghề truyền thống và tạo chỗ đứng trên thị trường, xây dựng hình ảnh chiếc nón lá An Ninh Tây vươn xa khắp mọi miền tổ quốc” - chị Yến nói.

Trước những yêu cầu của thị trường, chiếc nón lá Đức Hòa nay được khoác lên một màu áo mới. Ảnh: HD

Hiện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đức Hòa đang hỗ trợ cho câu lạc bộ tìm đầu ra cho sản phẩm bằng việc giới thiệu các công ty du lịch, đưa sản phẩm nón lá lên các trang mạng xã hội tiếp cận người tiêu dùng, tạo điều kiện giúp cho câu lạc bộ phát triển và duy trì nghề chằm nón lá truyền thống quê hương.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu về nghề chằm nón để thêm yêu những chiếc nón lá này.

Chị Phạm Thanh Trúc đang vẽ lên chiếc nón những hình ảnh mộc mạc của cảnh đẹp quê hương. Ảnh: HD

Chị Phạm Thị Thanh Trúc - người đảm nhận việc trang trí trên nón lá, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghề vẽ nón lá trang trí này này hơn một năm, lúc đầu vẽ lên nó rất khó, trơn, khó bám màu nhưng nếu kiên trì vẽ thì lên nón trông rất đẹp. Tôi cảm thấy rất vui vì làm cho chiếc nón lá quê hương của mình có thêm một diện mạo mới, được mọi người đón nhận”.

Theo chị Trúc, nghề chằm nón lá không khó, nhưng cũng không đơn giản, vấn đề cần được chú trọng ở đây là việc duy trì ngành nghề truyền thống này, không bị mai một theo thời gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới