Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Quá tải đường dây 110 kV
Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến đến tháng 12-2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW. Theo tính toán, sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, trạm biến áp 110 kV trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận đều quá tải.
Ông Lê Cao Quyền, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4 (PECC4), cho biết theo quy hoạch điện VII bổ sung điều chỉnh, đến năm 2020 các dự án năng lượng tái tạo sẽ đạt công suất 2.060 MW. Từ năm 2021-2025 là 6.000 MW và đến năm 2030 là 15.000 MW. Việc bổ sung này đã vượt rất nhiều quy hoạch trước đây.
Tính đến tháng 11-2019, Ninh Thuận có 33 nhà máy điện gió và mặt trời, riêng đoạn từ Tháp Chàm - Ninh Phước - Phan Rí có đến 21 nhà máy, gây nên quá tải lưới 300%. Hiện công suất các dự án này ở Ninh Thuận là hơn 1.100 MW, chiếm một nửa công suất cả nước. Như vậy, chỉ tính riêng Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời, điện gió đã vượt quy hoạch.
Qua khảo sát thực tế, ông Quyền khẳng định, lưới truyền tải điện 220 kV và 500 kV đều đảm bảo cho hệ thống điện, thậm chí tại khu vực này còn “non tải” lên lưới 220 kV và 500 kV. Theo ông Quyền, việc quá tải đường dây cho các dự án điện gió, mặt trời chỉ diễn ra ở lưới điện phân phối 110 kV. Hệ thống lưới 110 kV do các công ty, tổng công ty điện lực quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, ông Quyền cũng lưu ý với tốc độ phát triển nóng các dự án năng lượng tái tạo, thời gian tới ngành điện cần nghiên cứu bổ sung, đầu tư thêm lưới điện, tránh gây quá tải hệ thống điện.
Vướng giải phóng mặt bằng
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, kiểm tra các dự án truyền tải điện 220 kV tại Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), nhấn mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và nhận được sự quan tâm trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, các dự án này được bổ sung số lượng lớn trong thời gian ngắn đã tạo ra vướng mắc trong giải tỏa công suất. Ngành điện phải tập trung đầu tư trạm biến áp, đường dây; chưa kể khi triển khai các dự án này còn vướng quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
Ông Tường cho biết theo thẩm quyền, EVNNPT chỉ quản lý, vận hành hệ thống lưới điện từ 220 kV trở lên. Qua thực tế, lưới truyền tải điện 220 kV và 500 kV ở các khu vực có dự án điện gió, mặt trời đều được đáp ứng. Trong đó, một số dự án như nâng công suất trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm còn vượt tiến độ đề ra. Dự kiến dự án trạm biến áp 220 kV Ninh Phước cũng sẽ sớm đóng điện.
Theo lãnh đạo EVNNPT, hiện tại vấn đề khó khăn nhất khi triển khai các dự án trên không nằm ở khâu giải phóng mặt bằng và cần sự vào cuộc của các địa phương. “Với mức độ tín nhiệm cao, EVNNPT đã thu xếp được nguồn vốn cho các dự án. Điều khó nhất lúc này là chuyện đền bù giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết nhanh” - ông Tường nói.
Do đó, người đứng đầu EVNNPT yêu cầu Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cần đẩy nhanh tiến độ các dự án; phối hợp với các bộ, ngành làm các thủ tục cần thiết để triển khai các hạng mục công trình, nhất quyết không được chủ quan dù trong tính toán đáp ứng đủ nhu cầu truyền tải điện.
Lãnh đạo EVN cho biết EVN đang thúc đẩy các đơn vị cải tạo hệ thống đường dây 110 kV ở Ninh Thuận, Bình Thuận để giải quyết tình trạng quá tải. Khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra quá tải ở đường dây 110 kV nhưng chưa quá tải đường dây truyền tải 220 kV và 500 kV. Nhưng khi giải quyết được việc quá tải ở đường dây 110 kV thì nguy cơ sẽ xảy ra quá tải đường dây 220 kV, 500 kV nếu không đẩy mạnh đầu tư đường dây truyền tải. |