Đưa quan chức đi thăm nhà tù có ngừa được tham nhũng?

Tại diễn đàn Quốc hội hôm qua, 9-11, đại biểu Quốc hội - TS Trần Hoàng Ngân, giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM nói ông dự kiến sẽ đưa nội dung tham quan nhà tù vào chương trình đi thực tế với các lớp đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức để ngừa tham nhũng.

“Nhà tù là nơi tội phạm, những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi tham nhũng của mình. Tôi nghĩ rằng thăm quan nhà tù sẽ là một bài học thực tiễn” - ông Ngân nói.

Liệu đây có phải là giải pháp khả thi để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả? Báo Pháp Luật TP.HCM rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả. Mọi ý kiến vui lòng gửi ở phần “bình luận” dưới bài viết hoặc gửi mail về địa chỉ banbandoc@phapluattp.vn.

Không thực sự cần thiết

Tôi cho rằng việc cho quan chức đi tham quan nhà tù không thực sự cần thiết. Lý do là cá nhân những cán bộ, công chức là người đã trưởng thành, có bản lĩnh và trải nghiệm riêng, việc tham quan này không tác động được nhiều. Theo tôi, trong cơ chế quản lý nhà nước nên dồn lực vào những vấn đề mang tính cốt lõi để ngăn chặn tận gốc nạn tham ô. Trong đó, đối với cán bộ, công chức phải thường xuyên kê khai, giám sát tài sản... và khi phát hiện có tham nhũng, tham ô thì xử lý thật nghiêm minh đối với những đối tượng này, có như vậy mới có tác dụng trừng phạt người đã sai, răn đe người khác.

Ông Đào Văn Dũng, một cán bộ xã ở tỉnh Thái Nguyên

Phải đi từ gốc

Không cần phải đi tham quan mới biết sợ nhà tù. Chúng ta ai cũng sợ khi nghĩ đến nhà tù dù chưa từng đi tham quan cụ thể. Vậy nên “cho quan chức tham quan nhà tù để biết sợ” theo tôi là không cần thiết. Chưa kể việc tổ chức đi tham quan khó tránh tốn kém, phiền hà khi thực hiện. Ví dụ: cơ quan nào chủ trì, quan chức ngành nào, cấp nào thì đi tham quan; chế tài và việc giám sát thực tế như thế nào… những vấn đề này không đơn giản mà hiệu quả lại không cao.

Thay vì làm như vậy, chúng ta nên dồn tâm sức vào những vấn đề cốt lõi hơn để chặn từ gốc nạn quan tham: đổi mới cơ chế tuyển dụng công chức để chọn được xứng đáng; cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa; tăng hình phạt và xử lý nghiêm minh với các đối tượng tham nhũng; tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có; hoàn thiện cơ chế kê khai, giám sát tài sản của công chức.

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Tổ chức một buổi tham quan nhà tù rồi “bù” bằng 5 ngày chiêu đãi thì cũng như không (Xuân Trang)

Tốn tiền đưa đi nhưng họ không sợ đâu. Cứ tham nhũng ít thì cách chức bỏ tù, nặng thì chung thân, tử hình là sợ ngay. Toàn điều chuyển công tác, kiểm điểm rút kinh nghiệm thì ai sợ? (Đào Thanh Duy)

Tham nhũng, hối lộ, nhũng nhiễu, kê khai không trung thực là trảm mạnh và quan trọng là không phân biệt về hưu hay tại vị  mới là cách tốt. (Nguyễn Huy)

Cũng là một cách, hồi trước sinh viên từng được đưa đi tham quan trại giam, trường giáo dưỡng… chứng kiến sự thiếu thốn, mất tự do của những người phạm lỗi để tự răn mình. Nhưng có câu chỉ răn được người ngay, đã quyết thì tham vẫn tham. (Thu Thủy)

Không phải quan không sợ nhà tù mà là quan bất chấp vì cái được vẫn to hơn, hình phạt không tương xứng. (Tô Dũng)

Hãy ngưng kêu gọi ý thức mà đánh vào cái gì mạnh hơn đi, tịch thu tài sản, chung thân, tử hình… thử hỏi có vị công chức nào thực sự phải trả giá bằng nhà tù chưa mà biết sợ? ()

Đã là quan chức thì quá rành về luật, không cần phải dạy thêm. Chẳng qua lòng tham quá lớn, ô dù vẫn còn thì vẫn yên thân thôi. (HBG)

Tham nhũng phát sinh từ lòng tham và hoạt động bè phái của những cán bộ biến chất đạo đức suy đồi. Nước ngoài họ trị được tham nhũng bởi căn bản họ được giáo dục khác chúng ta từ khi còn nhỏ, nếu lỡ “hư hỏng” khi lớn thì cái giá cũng rất khủng khiếp. (Vincent Hoàng)


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới